Để Bắc Kạn thu hút đầu tư

Là một tỉnh trung tâm vùng Đông Bắc, tỉnh Bắc Kạn có tiềm năng lớn về phát triển lâm nghiệp, du lịch, tài nguyên khoáng sản, nguồn lao động dồi dào. Tuy nhiên, theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố năm 2011, thì Bắc Kạn hiện đứng thứ 60/63 tỉnh, thành trên cả nước. Để Bắc Kạn vươn lên, thì môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh cần phải có những bước đột phá nhằm nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Những cản trở

Ông Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, lại nằm sâu trong nội địa, nên Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi hàng hóa với các trung tâm kinh tế lớn. Mạng lưới giao thông trong tỉnh chủ yếu là đường bộ, chất lượng đường vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp hàng hóa. Chính vị trí địa lý cũng như những khó khăn về địa hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Năm 2011, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 14,6 triệu đồng/người/năm, bằng một nửa so với mức bình quân chung của cả nước.


Danh thắng hồ Ba Bể (Bắc Kạn) luôn là điểm thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khu vực doanh nghiệp (DN) của Bắc Kạn trong những năm gần đây đã có sự phát triển năng động và thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường. Các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đóng góp tỷ trọng lớn vào ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hầu hết các DN ở Bắc Kạn hiện vẫn có quy mô nhỏ, vốn ít, trình độ quản lý, trình độ lao động còn yếu, khả năng quản trị DN hạn chế. Sức cạnh tranh của các DN cũng còn thấp.

Trong năm 2011, các DN tỉnh Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN có tốc độ tăng trưởng chậm lại, không đạt được kế hoạch đề ra. Có DN phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động, hoặc tạm ngừng kinh doanh, giải thể; đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cho thấy: Năm 2011, có 89 DN, chi nhánh giải thể, bị thu hồi. Những khó khăn của DN xuất phát từ nguyên nhân lạm phát cao và kéo dài đã làm cho chi phí đầu vào nguyên liệu, chi phí nhân công… của các DN tăng cao. Bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn vay để đáp ứng chi phí hoạt động của DN và triển khai các dự án đầu tư, đã khiến nhiều DN gặp khó khăn về tài chính…

Những nỗ lực cải cách

Chỉ số PCI là chỉ số tổng hợp bao gồm 9 chỉ số thành phần phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian để thực hiện các qui định của Nhà nước, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015, xác định: Khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, phát huy mọi nguồn lực, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, xây dựng Bắc Kạn thành một tỉnh có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vào loại khá, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao, đưa Bắc Kạn cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển.

Để làm được điều này, ông Hoàng Văn Giáp - Giám đốc Dự án 3PAD (Sở Kế hoạch và Đầu tư) Bắc Kạn, cho rằng: Việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để DN phát triển cần được chú ý hơn. Bắc Kạn xác định sẽ vận dụng triệt để chính sách ưu đãi, kịp thời điều chỉnh bổ sung chính sách để thu hút khuyến khích đầu tư với sức hấp dẫn cao và phù hợp với cam kết WTO. Xây dựng kết cấu hạ tầng hợp lý phục vụ phát triển công nghiệp, đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ về vốn, thuế, công nghệ, thông tin môi trường đầu tư… nhằm khơi dậy tiềm năng trong các thành phần kinh tế, nhất là khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Có hình thức huy động mọi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn của nhân dân và DN, vốn từ các DN ngoài tỉnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn tài trợ quốc tế… Khai thác tối đa và có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Trung ương để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa bàn khó khăn.

Tại cuộc hội thảo cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa diễn ra tại Bắc Kạn vào cuối tháng 3/2012, ông Phan Đức Hiếu, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Quản lý kinh tế Trung ương), cho rằng: Khó khăn lớn nhất mà các nhà đầu tư, các DN gặp phải ở Bắc Kạn là tỉnh chưa có quỹ đất sạch. Phần lớn những khu vực mà DN quan tâm đã được giao cho dân, DN đó không chủ động được kế hoạch đầu tư vì phải phụ thuộc vào thỏa thuận với dân. Trên thực tế, nhiều DN đã chấp nhận đầu tư vào giải phóng mặt bằng, sau đó phát sinh mâu thuẫn với dân, phải chịu rủi ro rất cao. Cơ chế phối hợp giữa các ban ngành trong tỉnh liên quan đến thu hút đầu tư vào tỉnh cần được cải thiện. Quy chế cần được rà soát và điều chỉnh cho phù hợp theo mỗi năm. Trình độ tay nghề lao động thấp, nông dân, công nhân chủ yếu được đào tạo nghề thời vụ, làm hợp đồng nên nguồn nhân công không ổn định. DN cần được tham gia tích cực hơn vào quá trình hoạch định chính sách của tỉnh thông qua cơ chế đối thoại doanh nghiệp với chính quyền.

Thiết nghĩ, để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Bắc Kạn cần nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ chính quyền các cấp về cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh. Gắn kết nhiệm vụ và cải thiện môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh với các chương trình hoạt động của sở, ban ngành và các huyện, thị. Chú trọng công tác quảng bá môi trường kinh doanh, cảm nhận của cộng đồng DN và nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại tỉnh. Thực hiện theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình và cam kết lâu dài. Tập trung vào các hành động có tính chất lan tỏa và có tính liên kết với các hoạt động khác. Cam kết hành động và giám sát theo dõi quá trình thực hiện.

Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN