Đẩy mạnh các biện pháp khai thác thủy sản bền vững, hiệu quả

Việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được quy định tại Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2010 nhưng hiện nay, các địa phương vẫn chưa làm tốt điều này, thậm chí nguồn lợi còn có nguy cơ ngày một cạn kiệt.

 

Tàu cá của ngư dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Hà Thái - TTXVN

 

Nguyên nhân do khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, khai thác không có tính chọn lọc... Vì vậy, Quy hoạch phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đang xây dựng đưa ra nhiều biện pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả.

 

Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác theo hướng giảm dần và tiến đến cấm hẳn những nghề khai thác có tính tận thu, tận diệt là định hướng được ngành thủy sản đặt ra trong giai đoạn tới. Biện pháp này không chỉ giải quyết được vấn đề trước mắt là nguồn lợi thủy sản đang ngày một cạn kiệt mà về lâu dài còn điều chỉnh cơ cấu sản phẩm khai thác được, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho ngư dân.

 

Sức ép quá lớn đến nguồn lợi gần bờ


Nguồn lợi thủy sản đang suy giảm bởi tốc độ tái tạo không kịp với tốc độ khai thác. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), số lượng tàu thuyền và tổng công suất tăng nhanh nhưng hiệu quả - tổng sản lượng khai thác lại tăng chậm. Trong giai đoạn 2001 - 2010, tổng số tàu thuyền cả nước tăng bình quân 6,2%/năm, tổng công suất tăng 7,1%/năm trong khi tổng sản lượng khai thác chỉ tăng 3,8%/năm.


Đối với vùng ven bờ, tình trạng khai thác đang quá mức. Có trên 80% tàu thuyền hiện nay tập trung khai thác ở vùng nước ven bờ, trong khi khu vực này chỉ chiếm khoảng 11% diện tích vùng đặc quyền kinh tế. Sản lượng khai thác bền vững ở vùng nước có độ sâu dưới 50 m ước tính chỉ đạt 0,6 triệu tấn/năm, bằng khoảng một nửa sản lượng khai thác ven bờ hiện nay.


Bên cạnh đó, các loại nghề khai thác mang tính xâm hại đến môi trường và nguồn lợi vẫn đang phổ biến. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành thủy sản, ở nước ta có khoảng 40 loại nghề khai thác và được xếp thành 7 họ nghề chủ yếu: họ lưới kéo, họ lưới rê, họ lưới vây, họ nghề câu, họ lưới vó, mành, họ nghề cố định và các họ nghề khác. Trong đó, những nghề chiếm tỷ trọng khá lớn là: nghề lưới kéo (trên 17%), nghề lưới rê (36%), nghề câu chiếm 17%... Khi khai thác gần bờ với quy mô nhỏ, ngư dân chủ yếu vẫn sử dụng phương thức đánh bắt lạc hậu và chưa chú trọng việc bảo vệ nguồn lợi vùng khai thác. Thậm chí tình trạng sử dụng những ngư cụ bị cấm (mìn, xung điện...) hoặc ngư cụ không đảm bảo tiêu chuẩn (mắt lưới nhỏ hơn so với quy định)... vẫn nhiều, gây hại đến nguồn lợi, phá vỡ môi trường sinh thái.

 

Chuyển đổi để tăng hiệu quả


Trước tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch phát triển thủy sản (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản - Tổng cục Thủy sản) Nguyễn Quý Dương cho rằng, nếu không có sự điều chỉnh về cơ cấu nghề, sẽ dẫn tới việc sản lượng khai thác tăng ở mức độ mất kiểm soát, ảnh hưởng đến sự bền vững của nghề khai thác. Theo dự thảo Quy hoạch phát triển khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Viện kinh tế và Quy hoạch thủy sản xây dựng, việc điều chỉnh cơ cấu nghề nhằm khôi phục và nâng cao năng suất đánh bắt tiến hành theo hướng giảm dần nghề khai thác gây xâm hại nguồn lợi, đồng thời duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường.


Theo dự kiến, đến năm 2020 sản lượng khai thác thủy sản nước ta là 2,4 triệu tấn. Dự kiến năm 2020, khoảng 5.600 đơn vị đang sử dụng những nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả, gây xâm hại nguồn lợi sẽ được chuyển đổi sang các nghề chọn lọc và có hiệu quả hơn, ít tiêu hao năng lượng và thân thiện với môi trường (như nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề câu, nghề chụp mực). Cùng với việc chuyển đổi trong nội bộ ngành khai thác, sẽ tiến hành song song chuyển đổi sang những nghề ngoài khai thác, như: dịch vụ thu mua, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, thương mại, dịch vụ du lịch, chăn nuôi, trồng trọt...


Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản, ông Nguyễn Quý Dương khẳng định: “Đây sẽ là cơ sở để điều chỉnh cơ cấu sản phẩm khai thác được theo các vùng biển, từ đó, hiệu quả kinh tế của ngành thủy sản từng bước được nâng cao, thu nhập và đời sống của ngư dân sẽ được cải thiện”.


Cần đồng bộ và tính toán kỹ


Tại Hội thảo về góp ý cho dự thảo Quy hoạch do Bộ NN&PTNT tổ chức giữa tháng 5/2012, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác thủy sản cho rằng, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác là yêu cầu cấp thiết nhưng còn nhiều trở ngại. Muốn làm được, cần nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ nghề cá. Trước tiên, cần song song điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền. Hiện nay, tỷ lệ tàu thuyền có công suất nhỏ dưới 20 CV còn chiếm khoảng 45%, trong khi tỷ lệ tàu có công suất lớn trên 90 CV chưa đạt 20% là một rào cản khiến nghề khai thác xa bờ của nước ta chưa vươn xa được. Muốn tăng tỷ lệ nghề khai thác xa bờ, đòi hỏi phát triển các đội tàu có công suất lớn, nâng cao chất lượng các con tàu để tăng khả năng bảo quản sản phẩm, trên tàu phải có hệ thống máy định vị, máy dò cá, thiết bị thu - thả lưới; phát triển hệ thống tàu dịch vụ thu mua để hỗ trợ cho các đội tàu khai thác. Tiếp đó là đầu tư hệ thống cảng cá, chợ cá và phát triển cơ khí nghề cá...


Trình độ văn hóa của ngư dân còn thấp cũng là một hạn chế đến khả năng chuyển đổi nghề của ngư dân. Bên cạnh đó, việc thay đổi cơ cấu nghề đồng nghĩa với việc yêu cầu ngư dân thay đổi tập quán, thói quen và tư duy sản xuất lâu nay. Muốn làm được, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân về vốn, về kỹ thuật và cả những văn bản pháp lý nhằm ngăn chặn tình trạng ngư dân có thể quay lại khai thác theo nghề cũ.


“Điều quan trọng là khi xây dựng các mô hình chuyển đổi, các địa phương cần cân nhắc và tính toán kỹ trên cơ sở đảm bảo mức thu nhập cho ngư dân ít nhất phải bằng thu nhập lúc họ khai thác theo nghề cũ. Đồng thời, để đảm bảo sự hài hòa và phù hợp giữa tương quan các nghề sau khi chuyển đổi, tránh trường hợp sau khi chuyển đổi cơ cấu nghề, lại xuất hiện một số nghề bị quá tải”, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch phát triển thủy sản nêu ý kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN