Đầu tư lĩnh vực nào dễ mang lại hiệu quả từ nay đến cuối năm?

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ đầu năm đến giờ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán, lãi suất tiền gửi, vàng đã có nhiều tín hiệu tốt, vậy từ nay đến cuối năm sẽ như thế nào?

Nhằm giúp các nhà đầu tư chọn “mặt” gửi tiền để kiếm lợi nhuận cuối năm, các chuyên gia tài chính, kinh tế  của Trường Doanh nhân Bizlight sẽ phân tích những mặt lợi và rủi ro, từ đó có sự cân nhắc nên đầu tư kênh gì hiệu quả nhất.

Bất động sản


Theo chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, thị trường bất động sản (BĐS) trong thời gian gần đây có sự tăng trưởng trở lại, hiện tiếp tục trong chu kỳ phát triển ổn định. Cụ thể, tốc độ tăng bình quân 15% - 20%, một số vùng giá đất nền tăng từ 1,5 – 2 lần.


Đáng chú ý, tình trạng tăng giá diễn ra liên tục trên diện rộng và tăng mạnh nhất tại các vùng ven, như: Thủ Đức, Bình Tân, quận 9, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn…

Thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định, tuy nhiên vẫn nên cẩn trọng những rủi ro của các dự án liên quan đến pháp lý.

Nguyên nhân giá đất nền tại TP Hồ Chí Minh tăng nhanh là do thị trường đất nền đã bị lãng quên trong thời gian dài. Trong khí đó, hệ thống hạ tầng nhiều khu vực lại phát triển rất nhanh, kéo theo nhiều dự án phát triển với giá cao, ngược lại giá đất nền lại rất thấp, chỉ có 5 – 7 triệu đồng/m2.


Do giá quá thấp, giới đầu cơ đã nhảy vào thu mua khiến giá đất nền nhiều khu vực tăng mạnh giá bán, đồng thời thu hút giới đầu tư tham gia thị trường, mua gom đất nền.


So với các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm ngân hàng, ngoại tệ, BĐS được xem là kênh đầu tư hấp dẫn nhất vì lợi nhuận thu về nhanh và cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh lợi nhuận cao thì rủi ro cũng cao.


Thực tế cho thấy, nhiều dự án đất nền hiện nay sốt giá ảo. Nếu không biết lựa chọn dự án đất nền đủ tính pháp lý sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khi đầu tư. Với những dự án chung cư, nên tìm hiểu kỹ năng lực của chủ đầu tư dự án cũng như tính pháp lý của dự án, tránh tình trạng mua phải dự án mất năng lực, “chết yểu” hoặc bị dự án “phù phép” làm mới tên để huy động vốn, lừa đảo người mua nhà.


Vàng, tiền ảo


Thời gian qua, thị trường vàng trong nước tiếp tục ổn định, không có sự biến động lớn để có thể đầu cơ lướt sóng. Tuy nhiên, giá vàng thế giới tăng đạt mức 1.229 USD/ounce, tăng 16,23% so với cuối năm 2016. Do đó, việc đầu tư vàng trên sàn vàng và sàn ngoại tệ ở nước ngoài đã được nhiều người quan tâm.


Theo giới đầu tư, kênh đầu tư này sinh lời cũng cao, nhưng nếu không theo sát diễn biến của thị trường vàng, ngoại tệ cũng dễ gặp nhiều rủi ro khó tránh khỏi.


Mặt khác, theo LS Trần Viết Quân, thành viên Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, khoản 9 điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định rõ, các hoạt động kinh doanh vàng khác, trừ hoạt động xuất khẩu, nhập vàng, mua bán vàng nguyên liệu trong nước của các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ… đều hạn chế kinh doanh.


Do đó, hoạt động kinh doanh sàn giao dịch vàng, kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong và ngoài nước đều không được phép của Chính phủ cũng như của ngân hàng nhà nước. Đến nay, cũng chưa có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được cấp phép thực hiện kinh doanh loại hình này.


Như vậy, đầu tư vàng và tiền ảo trên sàn vàng, ngoại tệ nếu gặp rủi ro sẽ không được pháp luật bảo vệ nhà đầu tư.


Gửi tiết kiệm


Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là kênh đầu tư an toàn nhất hiện nay dù mức sinh lời không quá cao. Hiện lãi suất 12 tháng đang có xu hướng nhích dần lên và dao động từ 6,5% - 7,6%/năm.


Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng khi giao dịch tiền gửi. Theo TS.LS Bùi Quang Tín, để tránh rủi ro mất tiền oan như các một số vụ gần đây liên quan đến cán bộ ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, cần chú ý sau:

Gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn nhất.

Thứ nhất, phải gửi trực tiếp tại quầy. Theo quy chế, thông thường khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại ngân hàng. Tuy nhiên, một số khách VIP thường nhờ các nhân viên quan hệ khách hàng hay nhân viên quen biết để hỗ trợ mở tài khoản tiền gửi mà không phải đến ngân hàng thực hiện thủ tục.


Thứ 2, tuyết đối không nên ký sẵn chứng từ, tránh trường hợp nhân viên ngân hàng có thể điền thông tin vào đó nhằm rút trộm tiền khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà khách hàng đã đăng ký.


Thứ 3, phải kiểm tra số dư tài khoản tiền gửi định kỳ, bảo quản sổ tiết kiệm cẩn thận. Khi có bất cứ những trường hợp khác lạ hay mất sổ phải liên hệ ngay với ngân hàng trong vòng 24 giờ.


Thứ 4, kiểm tra chi tiết nội dung trên sổ tiết kiệm hay hợp đồng tiền gửi. Cố gắng duy trì một chữ ký cố định.


Thứ 5, cẩn trọng khi giao dịch trực tuyến.


Chứng khoán


Theo Ths. Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank KimEng, chỉ số chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây đã có đà tăng vững chắc. Tính đến ngày 15/9, chỉ số Vn-Index đã vượt qua mốc 800 điểm, mức cao nhất trong 9 năm qua.


Tuy nhiên, để tối hóa lợi nhuận, không nên đổ tiền quá nhiều mã chứng khoán mà chỉ nên đầu tư cao nhất là 6 - 7 mã chứng khoán. Nên lựa chọn những nhóm ngành cổ phiếu trong các lĩnh vực, ngành nghề đang có sự tác động của nền kinh tế - xã hội.


Ví dụ, nếu thị trường BĐS được tiền đổ vào đầu tư mạnh thì nhóm ngành BĐS sẽ lên; tiền gửi ngân hàng tăng thì nhóm ngành ngân hàng sẽ tăng; tiền đổ vào ngành thép tăng nhóm mã ngành thép sẽ tăng…


Dù vậy, theo Ths. Khánh thì hiện nay dòng tiền không đổ vào ngành nghề nào cụ thể mà lại đổ chính xác vào mã ngành cổ phiếu. Vì thế, cũng rất khó có thể dự báo rõ ràng mã cổ phiếu nào có thể mang lợi nhuận cao. Do đó, đây cũng là rủi ro cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ có ý định lướt sóng ngắn hạn.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Thị trường bất động sản cuối năm nhận ‘cú hích’ từ lãi suất
Thị trường bất động sản cuối năm nhận ‘cú hích’ từ lãi suất

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến cuối năm, số lượng giao dịch bất động sản sẽ tiếp tục ổn định, thanh khoản tốt, hàng tồn kho giảm… nhờ vào "cú hích" của ngân hàng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN