“Đấu thầu” nhưng lại là chỉ định thầu

Ở Việt Nam, lĩnh vực đấu thầu đang được chia nhỏ và quản lý không tập trung. Các quy định về đấu thầu nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật gây ra tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất và khó khăn cho các đơn vị thực hiện. Để tạo khung pháp lý thống nhất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, việc sửa đổi toàn diện Luật Đấu thầu là hết sức cần thiết. Những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo “Góp ý dự thảo luật đấu thầu sửa đổi”, do Cục Đấu thầu (Bộ KH-ĐT) phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức sáng 31/7, tại Hà Nội.


“Đấu thầu” nhưng lại là chỉ định thầu


Ông Phạm Trọng Vân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng An Bình cho biết, đơn vị hoạt động từ năm 1986, trong quá trình này đã tham gia nhiều cuộc đấu thầu và thấy rõ các bất cập. Đó là tình trạng lập “quân xanh, quân đỏ”, thủ thuật dựng “hàng rào kỹ thuật” trong hồ sơ của bên mời thầu để loại bỏ các đối thủ dự thầu…


Dùng cách nói ví von: Học sinh giỏi thì sẽ đi thi đàng hoàng, chỉ có học sinh yếu kém mới phải “chạy chọt” để xin điểm, ông Vân cho rằng, trong đấu thầu cũng vậy, doanh nghiệp có năng lực sẽ tham gia đấu thầu công khai, thường chỉ doanh nghiệp yếu kém về năng lực mới phải đi chạy chọt để được chỉ định thầu. Khi các doanh nghiệp không có năng lực mà được chỉ định thầu thì hậu quả tất yếu là công trình kém chất lượng, chậm tiến độ và chủ đầu tư cũng không thể quy trách nhiệm vì chính mình đã chỉ định thầu. Do đó, ông Vân đồng tình quan điểm với Cục Đấu thầu là nên chấm dứt chỉ định thầu và cần phải triển khai việc đấu thầu mọi cấp, mọi lĩnh vực.


Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, hiện nay hình thức chỉ định thầu vẫn chiếm 70% và chiếm 45% tổng vốn đầu tư công (vốn đầu tư công giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 180 nghìn tỉ đồng/năm). Theo ông Huỳnh: Chỉ định thầu gây ra hậu quả là tăng tham nhũng, lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng vốn… Thực tế cho thấy, không ít công trình, dự án được chỉ định thầu mà chất lượng công trình không đảm bảo, rất chậm tiến độ.


Bổ sung những bất cập hiện nay, ông Nguyễn Trọng Đào, Phó Cục trưởng Cục Đấu thầu cho biết, rất nhiều nhà thầu phàn nàn, rất khó khi đến đơn vị mời thầu để mua hồ sơ “Bên mời thầu không bán ra… bởi họ đã sắp xếp ai được mua, ai không được mua để thuận lợi trong việc đấu thầu mà thực chất là chỉ định thầu”, ông Đào nói.

 

Xây dựng 3 trung tâm đấu thầu mua sắm công


Để khắc phục khiếm khuyết của Luật Đấu thầu cũng như các bất cập trong thực tế, Cục Đấu thầu đang được Bộ KH&ĐT giao nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi để trình Thủ tướng Chính phủ. Theo quan điểm của Cục Đấu thầu, nội dung của Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này nhằm đạt được 6 mục tiêu: Thứ nhất là để đảm bảo thống nhất quản lý việc chi tiêu, sử dụng vốn nhà nước; thứ hai, là tăng cường cạnh tranh trong đấu thầu; thứ ba là công khai, minh bạch trong đấu thầu; thứ tư là đảm bảo công bằng trong đấu thầu; thứ năm là bảo đảm hiệu quả kinh tế của công tác đấu thầu; thứ sáu là phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu và điểm quan trọng nữa là để phù hợp với thông lệ quốc tế khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức hợp tác xuyên Thái Bình Dương.


Giải thích về các mục tiêu, ông Đào cho biết, tham nhũng là một trong những căn bệnh dễ nảy sinh trong quá trình đấu thầu vì công quỹ, tài sản là của Nhà nước, của chung, thuộc sở hữu toàn dân. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây lắp, xây dựng, giao thông, là những lĩnh vực đấu thầu có lượng vốn đầu tư rất lớn. Do đó, Dự thảo Luật đặt ra mục tiêu công khai trong đấu thầu có thể hiểu là sự không “che đậy, giấu giếm”, không bí mật vì lợi ích của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó mà cần thể hiện, công khai các nội dung thông tin theo quy định cho mọi người có liên quan hoặc quan tâm được biết.


Đồng tình quan điểm đẩy mạnh việc đấu thầu công khai, TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất, cả nước nên lập ra 3 trung tâm đấu thấu mua sắm công tại 3 khu vực Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Theo đó, tất cả các mua sắm công phải ủy thác cho 3 trung tâm này làm. Việc đấu thầu, mua sắm qua trung tâm đạt được 3 lợi ích: Thứ nhất là tính chuyên nghiệp trong tổ chức đấu thầu; thứ hai là tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả vốn đầu tư và thứ ba là việc giám sát xã hội đối với đấu thầu dễ dàng.


Cho rằng việc thành lập các trung tâm đấu thầu là giải pháp khả thi, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi cũng đề cập vấn đề mua sắm tập trung. Rõ ràng việc thành lập các trung tâm đấu thầu sẽ tiết kiệm được chi phí, vốn đầu tư rất lớn. Ví dụ: Trong việc mua, sắm ô tô, thay vì mỗi bộ, ngành, địa phương tổ chức đấu thầu 1- 2 xe/cuộc thì trung tâm này có thể đấu thầu một lúc hàng chục, hàng trăm xe… do đó giá đấu thầu sẽ rẻ hơn rất nhiều. Điều này nếu được áp dụng ở các lĩnh vực mua sắm tài sản khác, vốn đầu tư công sẽ giảm đáng kể.


Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN