Đáp ứng khát vọng vươn khơi xa

Ngư dân Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung vui mừng như mở hội khi bà con nhận được thông tin: Chiều 9/6, đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết về cân đối ngân sách 2013, trong đó có phương án chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư.

 

Tàu có công suất lớn đang được đóng tại xưởng đóng tàu Kỳ Hà.


Với ngư dân, việc được sở hữu chiếc tàu có công suất lớn, trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như thông tin liên lạc, máy tầm ngư, máy định vị, thiết bị sơ chế bảo quản sản phẩm… để vươn khơi bám biển dài ngày luôn luôn là ước mơ cháy bỏng. Khi biết thông tin đa số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua nghị quyết về cân đối ngân sách 2013, trong đó có phương án chi 16.000 tỷ đồng hỗ trợ cho ngư dân, lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư, bà con ngư dân và anh em thợ thuyền ở xưởng đóng tàu đánh cá Kỳ Hà rất vui mừng.Ước mơ cháy bỏng về con tàu lớn để ra khơi an toàn hơn, khai thác hiệu quả hơn đã sắp trở thành hiện thực.


Vừa trở về từ vùng ngư trường Hoàng Sa truyền thống, lão ngư Nguyễn Riện, thuyền trưởng tàu cá QNa 91927 TS phấn khởi cho biết: “Nghe được thông tin Quốc hội đồng ý chi 16.000 tỷ đồng cho ngư dân vay vốn với lãi suất thấp để đóng mới tàu cá, ngư dân chúng tôi mừng lắm. Từ xa xưa đến nay, Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống của các thế hệ ngư dân chúng tôi. Để khai thác có hiệu quả ở ngư trường tuyến khơi này, chúng tôi cần phải có tàu cá có công suất lớn gắn với các trang thiết bị đi biển hiện đại. Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn vốn có hạn nên việc đóng tàu lớn để vươn ra khơi xa của chúng tôi vẫn còn nhiều hạn chế. Nay sắp được vay với định suất lớn và mức lãi suất thấp, ngư dân chúng tôi cảm ơn Nhà nước nhiều lắm”.

 

Ngư dân Quảng Nam tiêu thụ sản phẩm sau chuyến ra khơi.


Cũng vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa, anh Phạm Văn Tám, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá QNa 90779 TS vừa chỉ đạo công việc tiêu thụ sản phẩm vừa hồ hởi cho biết: “Chúng tôi biết thông tin Nhà nước sắp sửa cho ngư dân vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu có công suất lớn để đi biển. Đây quả thật là tin mừng đối với ngư dân. Chúng tôi sẽ có điều kiện đóng mới phương tiện có công suất lớn hơn, chắc chắn hơn để tính mạng của ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi được đảm bảo an toàn hơn. Nguồn vốn này cũng sẽ giúp ngư dân chúng tôi đầu tư mua sắm trang thiết bị đi biển hiện đại hơn, đảm bảo năng lực bám biển dài ngày hơn, khai thác nguồn thủy sản trên biển đạt hiệu quả cao hơn”.


Để đóng một con tàu vỏ gỗ có công suất từ 600 CV đến trên 1.000 CV, ngư dân cần số tiền từ 3 - 5 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí không hề nhỏ đối với bà con ngư dân. Đồng hành cùng ngư dân, Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã và đang làm thủ tục giải quyết cho 30 hộ và nhóm hộ được vay vốn không tính lãi với số tiền chiếm khoảng 40% so với tổng giá trị của con tàu. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh Quảng Nam trong việc tiếp sức cho ngư dân vươn ra khơi xa. Tuy nhiên, do nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ ngư dân có hạn nên số hộ và nhóm hộ được vay vốn từ quỹ này không nhiều.


Vì vậy, nhận được thông tin ngư dân sắp sửa được vay vốn của Nhà nước để đóng tàu đánh cá, ai cũng vui mừng phấn khởi. Ông Ngô Ry, thuyền trưởng tàu cá QNa 91559 TS ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam phấn chấn cho biết: Từ mấy năm qua, gia đình ông chỉ có chiếc tàu cá vỏ gỗ mang số hiệu QNa 91559 TS có công suất hơn 400 CV. Nếu được vay vốn từ nguồn 16.000 tỷ đồng, gia đình ông sẽ đóng mới con tàu vỏ sắt và trang bị động cơ lớn hơn để đi biển.


Chia sẻ niềm vui cùng ngư dân, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: Nguồn vốn 16.000 tỷ đồng nếu đến được với ngư dân sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc đóng mới tàu cá cũng như thay đổi phương thức sản xuất của ngư dân. Nếu nguồn vốn này được triển khai, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ mở những lớp tập huấn, tuyên truyền về ý nghĩa và mục đích của nguồn vốn và hướng dẫn cho ngư dân về quy trình, ngành nghề sản xuất trên biển sao cho có hiệu quả. Với ngư dân, chiếc tàu không chỉ là phương tiện để ra biển hành nghề, mà đó còn là ngôi nhà, là người bạn thủy chung.


Vì vậy, việc được tiếp cận với nguồn vốn vay này để đóng tàu lớn vươn khơi xa luôn luôn là ước mơ cháy bỏng của ngư dân. Nay, giấc mơ ấy sắp trở thành sự thật.


Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung

Trao thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân
Trao thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân

Ngày 10/6, tại xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức bàn giao 5 bộ thiết bị câu cá ngừ đại dương nhập từ Nhật Bản về cho một tổ tàu thuyền (5 chiếc) tại huyện Hoài Nhơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN