Dân ca ví, giặm, đặc trưng du lịch xứ Nghệ

Đưa dân ca ví, giặm vào hoạt động du lịch, tiến tới trở thành một sản phẩm mang đặc trưng riêng,là một trong những chủ trương mà tỉnh Nghệ An triển khai hơn một năm nay.

Lần đầu tiên hát trên sông để phục vụ du khách về với Lễ hội Đền Quả Sơn, các nghệ nhân trong Câu lạc bộ dân ca xã Bồi Sơn huyện Đô Lương cảm thấy đầy hứng khởi. Khác hẳn với những lần biểu diễn trên sân khấu với không gian bó hẹp, giữa mênh mang sông nước, khí hậu trong lành, các nghệ nhân cảm nhận được sự yên bình, giản dị của khung cảnh quê hương, các hoạt cảnh lao động đời thường đang diễn ra, cũng từ đó tạo nên xúc cảm trong từng lời ca điệu ví được thăng hoa.


Yêu và thấm từng lời ca điệu ví từ nhỏ, anh Nguyễn Mạnh Cường đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ dân ca xã Bồi Sơn. Khi thành lập Câu lạc bộ, nhiệm vụ quan trọng là tìm hạt nhân - người trực tiếp hướng dẫn, dàn dựng cho các tiết mục hát dân ca cho Câu lạc bộ. Qua 5 năm thành lập, từ một vài thành viên ban đầu, đến nay câu lạc bộ dân ca đã thu hút được hơn 30 hội viên. Từ đây, đội văn nghệ đã đi biểu diễn nhiều chương trình văn hóa du lịch và tham gia nhiều hội diễn trong và ngoài tỉnh. Qua những tiết mục được dàn dựng khá công phu như hát phường vải, câu ví giặm nên duyên, giận thương…những nghệ sỹ không chuyên đã đem đến nhiều ấn tượng đặc biệt cho du khách khi đến huyện Đô Lương. Hơn thế, hoạt động của câu lạc bộ đã góp phần quảng bá, giới thiệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến với đông đảo mọi người.

Các nghệ nhân Câu lạc bộ dân ca xã Bồi Sơn hát ví giặm phục vụ du khách trên sông Lam tại Lễ hội Đền Quả Sơn. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Là một nghệ sỹ có nhiều tâm huyết, anh Nguyễn Mạnh Cường cũng cảm nhận được tình cảm, lòng yêu mến của du khách đối với làn điệu dân ca ví, giặm. Anh Cường có rất nhiều ấp ủ, dự định để dân ca ví, giặm ngày càng lan tỏa hơn nữa. “Bản thân các thành viên trong Câu lạc bộ luôn nỗ lực để khai thác các giá trị văn hóa tinh thần của cha ông để lại, đặc biệt từ năm nay trở đi chúng tôi sẽ đưa dân ca ví giặm vào phục vụ du khách khi về với các lễ hội trên địa bàn. Như vậy các làn điệu cổ vừa được phục dựng vừa được phát huy, mang lại cho người nghe người xem, đặc biệt là du khách về đây được đắm mình trong câu hò điệu ví, trở về với giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc”, anh Cường chia sẻ.


Đô Lương là một trong những cội nguồn của làn điệu dân ca ví giặm. Do đó, khi UNESCO công nhận dân ca ví giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì huyện Đô Lương đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa dân ca vào cuộc sống. Trước đây, huyện đã đưa dân ca ví giặm vào trường học, vào khu dân cư, vào các lễ hội… Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên huyện Đô Lương tổ chức hát dân ca cùng với đoàn rước trên sông đưa bài vị Lý Nhật Quang về Chùa Bà Bụt trong lễ hội Đền Quả Sơn nhằm để tôn vinh và phát huy giá trị dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh.


Bí thư huyện ủy Đô Lương ông Trương Hồng Phúc khẳng định “Trên cơ sở phát triển các Câu lạc bộ, thông qua các làn điệu dân ca đã góp phần cổ vũ, động viên tinh thần hăng say lao động sản xuất, ca ngợi quê hương đất nước, từ đó khơi dậy lòng yêu quê hương và giữ gìn giá trị văn hóa của dân tộc. Cùng với các cụm di tích văn hóa lịch sử, các danh lam thắng cảnh khác, việc đưa dân ca ví giặm vào phục vụ du khách tại các điểm đến trên là nét văn hóa mới để huyện quảng bá hình ảnh Đô Lương, thu hút du khách thập phương về với quê hương Đô Lương nhằm phát huy thế mạnh về du lịch tâm linh du lịch sinh thái”.


Việc bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca ví, giặm không chỉ được diễn ra ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà đến thời điểm này, đã có 5 khách sạn, nhà hàng ở Nghệ An đưa dân ca ví, giặm vào phục vụ khách du lịch. Trong đó, thường xuyên nhất là mô hình câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở Khách sạn Kim Liên – Sài Gòn. Theo dõi một số chương trình phục vụ khách du lịch ở khách sạn Sài Gòn – Kim Liên trong dịp Tết Nguyên đán 2017 và một số tour du lịch có thể thấy, người xem rất hứng thú. Trong đó, có không ít đoàn khách nước ngoài, dù không hiểu rõ ngôn ngữ, không biết nhiều về các làn điệu của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nhưng họ vẫn cảm nhận được cái tình và âm nhạc đặc sắc của loài hình âm nhạc đặc sắc này.

Là một thành viên của câu lạc bộ, anh Nguyễn Ngọc Dũng, nhân viên phòng kinh doanh cho biết: Tôi cũng rất mừng là các đoàn khách đều yêu thích các làn điệu dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Âm nhạc, thực sự khiến cho mọi khoảng cách được rút ngắn lại. Chia sẻ về hiệu quả của hoạt động này, anh Nguyễn Ngọc Quân, Trưởng phòng Kinh doanh – Công ty Cổ phần Sài Gòn – Kim Liên cho biết: Mặc dù các thành viên của câu lạc bộ đều làm kiêm nhiệm với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, khách sạn đã xác định đưa dân ca ví, giặm trở thành một điểm nhấn trong quá trình phục vụ của đơn vị. Vì vậy, luôn tạo mọi điều kiện để các thành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và có nhiều cơ chế để ưu tiên cho câu lạc bộ hoạt động.

Đưa dân ca vào trong chương trình hoạt động du lịch là một hướng đi có tính khả thi và cần thiết hiện nay. Qua đó, vừa bảo tồn, phát huy được dân ca, lại vừa đạt được mục đích kinh tế, phát triển du lịch. Sau khi dân ca ví giặm được công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm khuyến khích và đưa loại hình dân ca ví, giặm vào du lịch. Nổi bật nhất là việc giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn để thành lập các câu lạc bộ dân ca ở các đơn vị khách sạn, nhà hàng. Trong năm 2016, lần đầu tiên, Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cũng đã tổ chức biểu diễn dân ca ví, giặm phục vụ du khách thập phương tại Khu di tích Kim Liên. Chương trình kéo dài trong một tháng và dù không ánh đèn sân khấu, không chỗ ngồi trang trọng nhưng chương trình đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng du khách khi đến với quê hương Bác Hồ.

Mặc dù chỉ mới được thực hiện thí điểm nhưng sự đón nhận của du khách cũng đã cho thấy tính hấp dẫn và hứa hẹn đây là một sản phẩm du lịch đặc sắc nếu tỉnh Nghệ An biết nhân rộng và có những chiến lược dài hơi để phát triển. Trên thực tế, việc quảng bá dân ca ví giặm xứ Nghệ chỉ mới dừng lại ở quy mô nhỏ và chưa thường xuyên. Thiếu nhân lực thực hiện, chưa có một không gian nghệ thuật để người xem được xem một chương trình trọn vẹn, nhiều chương trình còn mang tính chất “chắp vá”, "thiếu chuyên nghiệp”… là những tồn tại hiện nay.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao xây dựng một đề án cụ thể, giao trách nhiệm cho từng ban ngành liên quan trong việc quảng bá, giới thiếu di sản dân ca ví giặm. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đưa dân ca ví, giặm vào các chương trình xúc tiến đầu tư, đầu tư nhiều chương trình biểu diễn hấp dẫn để thực sự là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các chương trình du lịch, các tour du lịch của tỉnh”.

Trên thực tế, đưa dân ca ví, giặm vào các hoạt động văn hóa, du lịch di sản đã được tỉnh Nghệ An đưa vào Quy hoạch hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh từ nay đến năm 2030. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An Nguyễn Quỳnh Anh cho biết: Không chỉ riêng về dân ca ví, giặm mà các di sản phi vật thể cũng được xem là trọng tâm mà văn hóa làm du lịch, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. Cụ thể, ngành Văn hóa sẽ chỉ đạo cơ sở xây dựng hệ thống Câu lạc bộ dân ca ví, giặm hoạt động hiệu quả, thường xuyên rộng khắp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Bích Huệ
Tiếp lửa cho ví, giặm Nghệ Tĩnh
Tiếp lửa cho ví, giặm Nghệ Tĩnh

Tối ngày 3/12/2016, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Nhà hát dân ca Nghệ An đã tổ chức buổi biểu diễn nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 2 năm ngày UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN