Đảm bảo sinh kế cho người dân sau thu hồi đất

Sau hơn 1 năm thực thi, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ không ít những bất cập về vấn đề thu hồi, hỗ trợ và tái định cư trong thu hồi đất. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo chia sẻ kết quả tham vấn góp ý dự thảo Nghị định đất đai do Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á tổ chức ngày 8/10, tại Hà Nội.


Giá thu hồi, hỗ trợ thấp

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, một trong những vấn đề khiếu kiện đất đai nhiều nhất là vấn đề về giá thu hồi và hỗ trợ tái định cư chưa hợp lí. Ông Lại Đức Thành, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam cho biết, giá đền bù thu hồi đất ở Hà Nam thấp nhất trong số 6 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, dù Hà Nam là tỉnh giáp ranh với Hà Nội. Ví dụ như đối với đất nông nghiệp, giá thu hồi là 40.000 đồng/m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp được gấp 2 lần là 80.000 đồng/m2, tiền ổn định đời sống 11.500 đồng/m2 và hỗ trợ đào tạo nghề được 500 đồng/m2. Tính tổng mức đền bù là 47 - 51 triệu đồng/sào (360 m2).

“Mức giá đền bù này là quá thấp nhưng vẫn được duy trì 5 năm nay chưa thay đổi, kể cả khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực”, ông Thành cho biết.

Khu đất của gia đình ông Đỗ Văn Quyền, xã Dĩnh Tân, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) nằm trong khuôn viên nhà máy sản xuất gạch Cotto của Công ty cổ phần Ngôi sao Bắc Giang chưa thỏa thuận được đền bù.

Ông Phạm Huy Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Cần Thơ cho biết, mặc dù Luật Đất đai 2013 quy định tiền đền bù phải sát với giá thị trường nhưng đa số các hội đồng định giá đều chỉ đưa ra giá cao hơn giá cũ 5 - 10%. Các sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị đánh giá độc lập nhưng đơn vị này vẫn còn thiếu trách nhiệm, định giá bao nhiêu cũng được, hiện chưa có cơ chế bắt họ phải đền bù thiệt hại khi định giá sai. Đồng thời, hội đồng định giá đất hiện nay đa số các thành viên là kiêm nhiệm và chưa có quy chế làm việc, trách nhiệm của hội đồng này dẫn đến định giá đất thiếu chính xác.

Một vấn đề nữa là sinh kế lâu dài cho người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia, sinh kế người dân sau thu hồi đất hiện chưa đảm bảo. Theo kết quả khảo sát của Đại học Cần Thơ năm 2013, trong số 37% hộ dân có đất bị thu hồi và phải chuyển đổi nghề cho rằng, họ rất khó thích ứng với nghề nghiệp mới, nhất là đối tượng lao động trên 45 tuổi thì không thể thích ứng với công việc mới. Cụ thể như dự án thu hồi đất xây dựng Metro Cash tại TP Cần Thơ, lúc đầu có 40 người được nhận vào làm việc tại công ty, nhưng do không quen với tác phong công nghiệp nên sau vài năm chỉ còn 2 người làm việc cho Metro.

“Rất nhiều nơi, người dân rơi vào tình trạng trắng tay sau khi nhận số tiền đền bù lớn nhưng không biết đầu tư, không có nghề, trong khi đó đã mất đi tư liệu sản xuất. Không có sinh kế bền vững thì nhiều nguy cơ, họ sẽ trở thành gánh nặng lên kinh tế xã hội, thậm chí gây tệ nạn xã hội”, một chuyên gia cho biết.

Cần đảm bảo sinh kế lâu dài

PGS.TS Phan Trung Hiền, Đại học Cần Thơ cho biết, mặc dù có quy định chủ thể chịu trách nhiệm về vấn đề tái định cư cho các cơ quan quản lý nhưng chưa có sự phối hợp cụ thể. Bản thân Trung tâm phát triển quỹ đất chỉ tập trung thu hồi dự án và bồi thường hỗ trợ còn việc đào tạo việc làm cho người dân mất đất như thế nào lại phó mặc cho cơ quan Lao động Thương binh và Xã hội. Do vậy, cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý để tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Ông Lê Đức Lưu, đại diện nhóm nghiên cứu tham vấn cộng đồng về Luật Đất đai của Hội nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á đề xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án trình Chính phủ xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án, trong đó có tiêu chí về đào tạo nghề, đảm bảo tái định cư cho người dân không còn chỗ ở và đánh giá tác động của dự án đối với tình hình kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Đồng thời, các địa phương, trong tiêu chí xét chọn dự án cần tính đến tiêu chí khả năng giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất. Các dự án thu hồi đất sản xuất nông nghiệp nên có đơn vị tư vấn cho dự án về việc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với từng đối tượng bị thu hồi đất, vì nghề nghiệp phải căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi tác, trình độ văn hóa, giới tính…

Ông Lại Đức Thành, Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam đề xuất, đất đai là tư liệu sản xuất, thu hồi đất là lấy đi tư liệu sản xuất, miếng cơm manh áo của người dân bao đời. Trong khi giá đền bù hiện là khá thấp thì cần tính đến phương án để người dân có thể góp vốn vào dự án bằng đất. Như vậy đảm bảo cuộc sống an sinh cho người dân trong nhiều năm, giảm tệ nạn.
Trước những vấn đề trên, bà Hoàng Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, về cơ bản, Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản liên quan đã có những quy định đầy đủ về các vấn đề liên quan, tuy nhiên việc thực thi luật như thế nào là điều cần phải bàn. Ví dụ như về giá đất bồi thường, theo Luật Đất đai sẽ phải lấy giá đền bù sát với giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất, tuy nhiên vẫn còn tình trạng đền bù thấp tại các tỉnh là do quá trình thực hiện tư vấn chưa đủ năng lực, thông tin đầu vào định giá còn hạn chế. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiếp nhận những kiến nghị của các địa phương về các vấn đề vướng mắc để tìm ra giải pháp giải quyết đối với từng vấn đề.
Thu Trang
Nhiều vướng mắc khi doanh nghiệp tự thỏa thuận thu hồi đất
Nhiều vướng mắc khi doanh nghiệp tự thỏa thuận thu hồi đất

Người dân bị “treo” ruộng, chủ đầu tư không thể giải phóng được mặt bằng để thực hiện dự án, khiếu kiện do chênh lệch giá đền bù phức tạp và kéo dài nhiều năm... là những tồn tại trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013 trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN