Đắk Lắk tái canh cây cà phê

Tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp từ nay đến năm 2020 không mở rộng diện tích trồng mới mà chỉ tập trung đầu tư trồng tái canh trên 16.475 ha cà phê già cỗi đã hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém.

Tập trung trồng tái canh cà phê 

Trước mắt, ngay mùa mưa năm 2015, theo kế hoạch, các nông hộ, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục đầu tư trồng tái canh 4.423 ha cà phê. Như vậy, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành đầu tư trồng tái canh lại 15.723 ha cà phê (năm 2011 trồng tái canh 1.892 ha, năm 2012: 2.644 ha, năm 2013: 3.643 ha, năm 2014: 3.118 ha và năm 2015 kế hoạch trồng tái canh 4.423 ha). Đây cũng là địa phương có các nông hộ, doanh nghiệp chủ động đầu tư vốn để trồng tái canh cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh nhiều nhất so với các tỉnh khác trên địa bàn Tây Nguyên.

Các nông hộ ở Đắk Lắk luôn chủ động đầu tư vốn để trồng tái canh cà phê già cỗi.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, phần lớn diện tích đưa vào trồng tái canh cà phê, các nông hộ, doanh nghiệp đều thực hiện đúng theo Quy trình tái canh cà phê vối mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã sử dụng giống cây ghép và giống thực sinh bằng hạt lai đa dòng do Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp, trong đó 30% sử dụng cây ghép và 70% là sử dụng giống cây thực sinh từ hạt lai. Cụ thể, các nông hộ, các doanh nghiệp sử dụng các dòng cà phê vối, gồm TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR12, TR13. Đây là những giống cà phê vối mới đạt năng suất cao từ 4,2 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, chất lượng tốt, có cỡ hạt lớn đạt loại 1 trên 65%, kháng cao với bệnh gỉ sắt, tăng khả năng cạnh tranh mặt hàng xuất khẩu này trên thị trường thế giới. Trong đó, có 4 dòng cà phê vối chín muộn, gồm TR9, TR11, TR12, TR13 nhằm chuyển dần thời gian thu hoạch cà phê vào đúng mùa khô, không những thuận lợi trong việc thu hoạch, không bị mưa trong quá trình phơi sấy mà còn góp phần gảm lượng nước tưới cho cà phê trong mùa khô.

Dòng cà phê vối cho năng suất cao.


Ngoài Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, đơn vị cung cấp giống cà phê chủ lực, tỉnh Đắk Lắk cũng đã xây dựng vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc, mỗi năm sản xuất, cung cấp từ 5 đến 7 tấn hạt giống lai tổng hợp. Tỉnh cũng xây dựng 5 ha vườn nhân chồi ở các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’Leo, Krông Pắk và thị xã Buôn Hồ mỗi năm cung cấp trên 4 triệu chồi ghép, cây giống ghép có chất lượng cao cho các nông hộ, doanh nghiệp cải tạo dần các vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp.

Tỉnh Đắk Lắk cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nói chung, trong đó có cây giống cà phê, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng vi phạm quy định, đồng thời, cảnh báo các nông hộ, doanh nghiệp không nên mua cây cà phê trôi nổi trên thị trường, chỉ mua cây, hạt giống cà phê ở những cơ sở có thương hiệu, hoặc các doanh nghiệp của Nhà nước, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên mới đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển cà phê bền vững.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ trồng tái canh cây cà phê như ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch, xây dựng vườn giống, cây giống, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý… Đặc biệt, về chính sách tín dụng cần có cơ chế về lãi suất ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn từ 1- 2%/năm. Đồng thời cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù cho cây cà phê ở Tây Nguyên, có cơ chế cho loại hình bảo hiểm nông nghiệp đối với cây cà phê, đầu tư thỏa đáng cho việc tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước, xây dựng các cơ sở vật chất khác như giao thông, hỗ trợ xây dựng sân phơi… nhằm góp phần phát triển cây cà phê bền vững ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Tập trung chăm sóc cà phê sau mùa “đại hạn”

Hiện các nông hộ, doanh nghiệp đã tập trung chăm sóc, bón phân trên 204.390 ha cà phê, trong đó có 192.998 ha cà phê kinh doanh, diện tích còn lại là cà phê kiến thiết cơ bản nhằm tạo điều kiện cho vườn cây nhanh chóng phục hồi, phát triển khung cành khỏe mạnh, quả cà phê tăng nhanh về kích thước để đạt năng suất cao.

Theo đó, mùa khô vừa qua, tỉnh Đắk Lắk có trên 41.393 ha cà phê bị khô hạn. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các nông hộ ở những vườn cà phê bị chết khô, nằm ngoài vùng quy hoạch phát triển cà phê bền vững, không chủ động được nguồn nước nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác chịu hạn, có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt, đối với những vườn cây phát triển không đồng đều, tỉnh cũng hướng dẫn các nông hộ thanh lý các cây cà phê xấu, khô héo hoặc bị bệnh gỉ sắt nặng để trồng dăm lại bằng các cây cà phê giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7… nhằm tạo đồng đều cho vườn cà phê. Các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất cà phê cũng chủ động tổ chức đánh chồi vượt, cắt cành tăm, cành nhớt, cành khô, cành vô hiệu mới phát sinh, chỉ nuôi từ 1 đến 3 cành dự trữ tại mỗi đốt để cho năng suất cho niên vụ sau.

Tùy theo hiện trạng của mỗi vườn cây, ngay từ đầu mùa mưa, các nông hộ, doanh nghiệp tiến hành làm cỏ, đầu tư bón cân đối các loại phân NPK chuyên dụng cho cây cà phê như 16-8-16-13S-TE, hoặc 16-16-8-13S+Bo…, với 1.500 đến 1.800 kg/ha và bón từ 3 đến 4 đợt phân trong những tháng mùa mưa theo nguyên tắc 4 đúng: đúng loại phân, đúng liều lượng, đúng phương pháp, đúng thời điểm để bổ sung dinh dưỡng nhằm tạo điều kiện cho cây, cho quả cà phê phát triển. Các nông hộ, các doanh nghiệp cũng đầu tư mua thêm phân hữu cơ sinh học, phân chuồng ủ hoai mục bón cho mỗi ha cà phê kinh doanh từ 20 đến 30 m3/ha. Các nông hộ, các doanh nghiệp cũng tăng cường kiểm tra, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là sử dụng các loại thuốc chuyên dụng như Tilt, Bunpen, An Vil, Validacin… để diệt các loại rệp sáp, nấm hồng, mọt đục cành, đục quả… nhằm góp phần đảm bảo năng suất, sản lượng trên 450.000 tấn cà phê nhân niên vụ 2015 - 2016.

Quang Huy
Cà phê bị cháy lá, táp ngọn không phải do phân bón Sông Gianh
Cà phê bị cháy lá, táp ngọn không phải do phân bón Sông Gianh

Cơ quan chuyên môn đã xác định hiện tượng cháy lá, táp ngpnj là do sâu bệnh, kỹ thuật canh tác sai quy trình chứ không phải do phân bón.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN