Với kết quả thực hiện được trong thời gian qua, Đà Nẵng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 3 đột phá về phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra cho nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo đó, Đà Nẵng tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Thành phố xây dựng và sớm trình Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi áp dụng cho Cụm du lịch trọng điểm miền Trung; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm cũng như xây dựng, phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường.
Thành phố triển khai thực hiện tốt Kết luận của Trung ương về các dự án mang tính động lực, trọng điểm, các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, Đà Nẵng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn nhân lực Chất lượng cao khu vực công giai đoạn 2016-2020 và Đề án “Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực tư đến năm 2020”.
Thành phố xây dựng chính sách để đảm bảo cân đối hài hòa giữa công tác đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đào tạo, thu hút các chuyên gia đầu ngành, lao động có tay nghề cao...
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thành phố đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng; tập trung kiểm tra ở những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực, địa bàn có vấn đề nổi cộm, bức xúc. Đồng thời đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng; nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đà Nẵng tiếp tục triển khai Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập; thí điểm Đề án hợp nhất 3 văn phòng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng UBND thành phố). Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ công; đầu tư nâng cấp chính quyền điện tử; triển khai đề án “Thành phố thông minh”, tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục, y tế, môi trường, năng lượng…
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nỗ lực đạt được những kết quả nhất định, tạo tiền đề tốt thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ.
Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết vướng mắc trong quy hoạch, quản lý xây dựng trên địa bàn, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn các dự án để sớm hoàn thiện các hạng mục, công trình. Thành phố tập trung tháo gỡ vướng mắc, khắc phục những sai phạm từ đầu nhiệm kỳ theo Kết luận của Trung ương, mục tiêu là sai đến đâu, sửa đến đó, nỗ lực giải quyết triệt để.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cũng như công nhân viên chức và người lao động cần tập trung nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.
Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là 3 đột phá phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ổn định và phát triển. Kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định, gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Giai đoạn 2015-2018, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá cố định 2010) ước tăng 8%/năm, năm 2018 ước đạt 62.150 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với đầu nhiệm kỳ, bằng 1,4% so với cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 84 triệu đồng, gấp gần 1,2 lần năm 2016 và 1,4 lần cả nước, cao hơn 1,4 lần so với mức trung bình chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đà Nẵng đề ra nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể từ nay đến năm 2020. Trong đó, phấn đấu tăng tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn đạt 8-9%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước tăng 15%/năm; đến cuối năm 2018, hoàn thành Đề án giảm nghèo của thành phố, đồng thời triển khai hiệu quả đề án giảm nghèo mới (theo phương án tiếp cận đa chiều) giai đoạn 2019-2023...