Cuối năm lo sức mua giảm

Thông thường, cuối năm là thời điểm sức mua của người dân tăng cao. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng tồn kho, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, tác động của suy giảm kinh tế khiến cho sức mua vẫn rất yếu dù hiện nay đã là tháng cuối cùng của năm và Tết Nguyên đán đang đến gần.


Cuối năm lo sức mua giảm


Theo khảo sát của phóng viên, tình hình chung của thị trường hàng hóa hiện nay khá trầm lắng. Càng đến cuối năm, các tiểu thương, chủ DN càng lo lắng bởi tốc độ tiêu thụ hàng hóa chưa có chuyển biến.


Chợ vắng, siêu thị thưa khách


Tại các chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM cho thấy, sức mua của người dân không có dấu hiệu tăng lên.

 

Giá nhiều loại thực phẩm tăng cao khiến sức mua giảm. Trần Việt – TTXVN


Tại chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội), sau một hồi đắn đo nâng lên đặt xuống một túi nấm kim châm đóng gói sẵn, bà Trần Thị Thanh, tổ 37, phường Dịch Vọng Hậu, than thở: “Bây giờ cái gì cũng tăng giá. Tôi chỉ có cách tiết kiệm chi tiêu, lấy khoản này bù cho khoản kia. Muốn mua cái gì cũng phải tính toán chi ly. Tết năm nay, gia đình tôi cũng không định mua sắm nhiều”.


Theo quan sát của phóng viên, lượng khách đến mua hàng tại các quầy thực phẩm vào buổi sáng khá thưa vắng. Một chủ quầy hàng thực phẩm tại chợ Bình Tây (quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm này năm ngoái, khách đã mua hàng nhộn nhịp nhưng năm nay chỉ rải rác vài mối. “Mọi năm đắt khách thì tôi còn trữ hàng, nhưng năm nay khách đặt hàng đến đâu thì làm đến đó”, chủ quầy hàng này cho biết. Các mặt hàng thực phẩm do nguồn cung tương đối ổn định nên người dân không có xu hướng tích trữ như những năm trước. Các loại hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, miến, măng khô… hiện sức mua cũng chưa cao.

“Hiện nay, thu nhập giữa nông thôn và thành thị chênh nhau 7 lần. 20% người giàu thì mua sắm vô tội vạ nhưng 80% người nghèo thì ăn bữa nay chưa biết bữa mai. Nhìn cảnh các bà nội trợ đi chợ cóc thì biết. Muốn mua vài quả cam Yên Bái loại 10.000 đồng/kg, hay mấy quả chuối, vài củ sắn, mớ rau, các bà, các chị cũng phải tính toán mãi mới dám mua. Đời sống của người dân vẫn khó khăn thì khó mà tăng sức mua được”.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội


Không khí mua sắm ở các siêu thị cũng không mấy khả quan. Đại diện Lottemart (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sức mua năm nay của người dân rất thấp. Chương trình khuyến mãi xả hàng cuối năm diễn ra trong 2 tuần qua đã kích thích sức mua tăng. Tuy nhiên, giá trị hóa đơn mua hàng lại giảm.


Cùng chung đánh giá này, bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội chia sẻ, lượng hàng Tết năm nay mà bán được như năm ngoái đã là một sự thành công.


Gần đây, những thông tin tăng giá điện, sữa, vé tàu - xe, các loại cước phí… và mới đây nhất là giá gas tăng vọt thêm 70.000 - 80.000 đồng/bình 12 kg đã khiến người tiêu dùng thực sự lo lắng. Cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.


Sức mua không tăng


Trong tháng khuyến mãi Hà Nội vừa qua (tháng 11/2013), dù các cửa hàng, siêu thị đã tung ra hàng loạt chiến dịch khuyến mãi lớn, thậm chí có những đợt giảm giá từ 50 - 70% (đối với một số mặt hàng như quần áo thời trang, đồ điện tử…) nhưng sức mua vẫn không tăng nhiều. Khách hàng chỉ tập trung vào những giờ vàng với mức giảm giá sốc.


Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội chia sẻ: “Đợt Tháng khuyến mãi Hà Nội vừa rồi, siêu thị vắng như chùa bà đanh. Có hôm tôi vào siêu thị Pico chỉ thấy có 2 khách hàng, vậy thì khuyến mãi cái gì? Tiền không có thì mua cái tivi mấy chục triệu để làm gì?”.


Sức mua của người dân giảm khiến rất nhiều nhà sản xuất và kinh doanh điêu đứng, nhất là đối với những hộ nhỏ. Theo ông Vũ Vinh Phú, năm nay nhiều DN chỉ sản xuất bằng năm ngoái, thậm chí có DN giảm sản lượng 2 - 3%. Với các mặt hàng như nước giải khát, bánh kẹo… thì các siêu thị nhập rất dè dặt. “Mặc dù các siêu thị công bố mức tiêu thụ tăng 15% nhưng thực ra sức mua rất kém. Tôi không tin vào những con số công bố tháng khuyến mãi doanh thu tăng từ 30 - 40%. Nhiều công nhân ăn bữa cơm chỉ có rau muống với nước mắm, vậy thì tiền đâu mà mua sắm Tết”, ông Phú nói.


Cuối năm, sức mua của người tiêu dùng liên quan chặt chẽ với mức tiền thưởng Tết. Hiện nhiều DN còn nợ lương người lao động, thì lấy tiền đâu ra mà thưởng Tết. Ở những DN làm ăn ổn định thì mức thưởng cũng không nhiều.


Bà Tôn Minh Hương, công nhân nhà máy pin Văn Điển (Hà Nội) chia sẻ: “Thưởng Tết bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có khoảng 2 triệu đồng. Số tiền đó bây giờ không sắm nổi thứ gì đáng giá. Vì vậy, tôi sẽ hạn chế mua sắm những thứ không thực sự cần thiết”.


Khoảng 200.000 DN phá sản thời gian qua, trong đó 1/4 là DN thương mại, bán lẻ, bán buôn. Điều đó cho thấy sức mua giảm sút ảnh hưởng lớn đến “sinh lực” của các DN.

 

Hoàng Dương - Thu Hồng - Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN