Cuộc đua lãi suất bắt đầu giảm nhiệt

Những cơn bão giá vàng không còn xuất hiện, cuộc đua về lãi suất huy động đã bắt đầu giảm nhiệt.

Những thành công bước đầu của chính sách tiền tệ được triển khai trong 6 tháng qua đang tạo niềm tin quan trọng cho các nhà đầu tư về sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ trong 6 tháng cuối năm.

Ảnh: Interne


 Thị trường giảm nhiệt


Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường ngoại hối đã có những chuyển biến tích cực, trạng thái ngoại tệ của các Ngân hàng thương mại (NHTM) được cải thiện, tâm lý thị trường ổn định, thị trường ngoại tệ tự do được kiểm soát chặt chẽ. Lượng ngoại tệ của các NHTM mua vào lớn hơn nhiều so với lượng ngoại tệ bán ra. Tỷ giá USD/VNĐ bình quân liên ngân hàng đang có xu hướng giảm và tỷ giá mua-bán của NHTM có nhiều thời điểm thấp hơn tỷ giá bình quân liên ngân hàng.

Còn nhớ vào thời điểm 11/2, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 đồng/USD, vô hình chung đã khiến giá vàng trong nước tăng đột ngột gần 1 triệu đồng/lượng vào 19/2; đồng thời tạo một tâm lý bất an không chỉ cho nhà đầu tư mà với cả người dân về thị trường tiền tệ vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, việc tăng giá vàng đột biến đã nhanh chóng được đẩy lùi sau một loạt các biện pháp kiên quyết, cứng rắn của NHNN như: ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ điểm thu đổi ngoại tệ…Thị trường vàng trong nước được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới do việc nắm giữ vàng đã giảm sức hấp dẫn.

Do vậy, t ừ đầu tháng 5 trở lại đây, giá vàng bán ra tương đối ổn định, duy trì xoay quanh mức 37,5-38 triệu đồng/lượng. Điểm đáng lưu ý chính là chênh lệch giá của ngày hôm trước so với ngày hôm sau luôn giữ ở mức thấp. Nếu tính từ 1/6 đến ngày 30/6, giá vàng chỉ tăng 120.000 đồng/lượng, đứng ở mức 37,85 triệu đồng/lượng.

Không chỉ riêng thị trường ngoại hối, lãi suất VNĐ trong thời gian gần đây cũng bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt. Những cuộc chạy đua lãi suất huy động giữa các NHTM đang chững lại. Nếu vào giữa tháng 5, lãi suất huy động tại nhiều NHTM phổ biến lên tới 18-19%/năm hay thậm chí còn cao hơn thì thời gian gần đây đang giảm dần từ 1-2%/năm.

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, tính đến ngày 10/6/2011 các NHTM huy động vốn tăng 2,37%; trong đó huy động vốn bằng VNĐ tăng 1,15%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8,89%. Về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,05% trong đó, tín dụng VNĐ tăng 2,72%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 22,21%; tín dụng ngắn hạn tăng 6,17%; tín dụng trung và dài hạn tăng 7,66%.

Hiện nay, lãi suất cho vay VNĐ bình quân khoảng 18,74%/năm, tăng 3,4%/năm so với cuối năm 2010. Trong đó, lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu khoảng 17-19%/năm; lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác 19,2%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất khoảng 22-25%/năm. Lãi suất USD cũng tương đối ổn định. Trong đó, lãi suất huy động USD ở mức sát trần quy định, lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,4%/năm tương đương mức lãi suất cuối năm 2010.

Có được kết quả này theo đánh giá của NHNN, khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng đang được đảm bảo; thanh khoản VNĐ từng bước được cải thiện. Nhưng để giảm lãi suất huy động và cho vay xuống mức thấp hơn nữa chắc chắn sẽ mất thêm khoảng thời gian nữa.

 Động thái tích cực từ chính sách điều hành

Trước những diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ, từ đầu năm đến nay, NHNN đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng; mua bán ngoại tệ của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng thực hiện; yêu cầu ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ đối với các địa lý vi phạm quy định về hoạt động đổi ngoại tệ...

NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng biện pháp phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh ngoại tệ, tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát, hạn chế cho vay, thanh toán ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu và yêu cầu NHTM chủ động đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% và giảm dư nợ cho lĩnh vực phi sản xuất xuống còn 16% đã thúc đẩy các NHTM giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, dành nguồn vốn tín dụng tập trung ưu tiên cho sản xuất-kinh doanh, khu vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

|Thời gian qua, các NHTM còn đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp với sự chỉ đạo của NHNN. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tập trung ưu tiên vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án trọng điểm nhà nước, các dự án của các doanh nghiệp tạo lập cân đối vĩ mô với tỷ trọng từ 85-87%/tổng dư nợ. Kiểm soát và giảm tối đa tăng trưởng tín dụng cho khu vực phi sản xuất, khống chế mức tăng trưởng cho vay bất động sản dưới 9%/tổng dư nợ (kể cả các công trình hạ tầng); tỷ trọng cho vay chứng khoán dưới 0,5%/tổng dư nợ).

Ngân hàng này dành doanh số cho vay từ 50.000-55.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, gấp 2 lần so với năm 2010, nâng tỷ trọng cho vay doanh nghiệp thu mua hàng xuất khẩu chiếm 5%/tổng dư nợ và doanh số cho vay khoảng 165.000 - 170.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N), gấp 1,5 lần so với năm 2010, nâng tổng tỷ trọng cho DNV&N lên 20%/tổng dư nợ.

Giữa tháng 4, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chính thức ra mắt sản phẩm cho vay sản xuất kinh doanh giấy. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giấy sẽ được hưởng ưu đãi về tỷ lệ ký quỹ, mức bảo đảm tối đa trên giá trị định giá tài sản đảm bảo và phương thức quản lý hàng hóa thế chấp….

Nhiều ngân hàng khác như: Ngân hàng Thương mại Công Thương Việt Nam (Vietinbank) dành 50.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp, xuất khẩu và thêm 30.000 tỷ đồng cho công nghiệp phụ trợ với mức lãi suất thấp hơn hiện tại từ 2-2,5% cho khoản vay tiền đồng và thấp hơn 0,5% cho khoản vay USD.

 Những tín hiệu mới

Những dấu hiệu giảm nhiệt trên sẽ là tiền đề để thị trường tiền tệ bớt sức nóng trong 6 tháng cuối năm. Theo đánh giá của các chuyên gia đây sẽ là thời điểm sôi động nhất của thị trường do các doanh nghiệp cần mua USD trả nợ và nhu cầu mua ngoại tệ tăng cao để nhập hàng.

Nắm bắt được thực tế đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích lập phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng không được thực hiện các biện pháp nhằm che giấu nợ xấu; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán nội bộ.

NHNN cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời nguy cơ rủi ro tín dụng. Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tạm thời ngừng xem xét đề nghị mở phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng. Mặt khác, NHNN đưa ra thông điệp sẽ xử lý nghiêm các trường hợp, tổ chức tín dụng xây dựng và thực hiện tốc độ tăng trưởng trên 20% trong năm 2011.

Đối với trường hợp tổ chức tín dụng không thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất theo lộ trình, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp 2 lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung; đồng thời hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh theo đúng chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN.

NHNN cũng cho biết thêm, trong thời gian tới NHNN sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện nhiều dự thảo văn bản có liên quan: Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng; Thông tư quy định việc mua bán, ngoại tệ của tổ chức, tín dụng cá nhân hay quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để ổn định thị trường theo hướng bền vững.

Đây tiếp tục là những giải pháp quyết liệt và đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chặt chẽ và thận trọng nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng, chuyển dịch cơ cấu tín dụng và đảm bảo khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công bước đầu của NHNN cùng với việc kiên định thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo hướng kiềm chề lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo cơ sở vững chắc giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường ngoại hối theo hướng bền vững hơn./.

Hải Yến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN