Cuộc cách mạng "tam nông" trên quê lúa Thái Bình

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", tỉnh Thái Bình đã tạo được cuộc “cánh mạng” có sức lan tỏa sâu rộng, từng bước làm thay đổi cuộc sống người dân quê lúa. Đặc biệt, Thái Bình là tỉnh đi trước một bước trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM); đồng thời có nhiều giải pháp đưa nông nghiệp phát triển khá toàn diện trong việc quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại... Đến nay, có thể khẳng định cuộc cánh mạng “tam nông” trên quê lúa Thái Bình nhằm mục tiêu xây dựng xã hội nông thôn hiện đại, phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị cơ sở... đang được mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân.

Trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với hiệu quả kinh tế ngày càng nâng cao. Những cánh đồng cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đồng ruộng và nông thôn Thái Bình có nhiều khởi sắc, mức sống của người dân ngày càng đi lên. Ði trên đồng ruộng Thái Bình bây giờ có thể thấy rõ sự trù phú với những cánh đồng lúa, rau màu xanh ngát. Những công trình thủy lợi với những kênh mương dọc ngang, 1.600 trạm bơm điện, bơm dầu lớn nhỏ và 54 cống lấy nước phù sa, phủ khắp trên địa bàn làm nhiệm vụ tưới tiêu, thau chua rửa mặn, góp phần làm nên những mùa vàng bội thu. Bình quân mỗi năm Thái Bình đầu tư cho sản xuất nông nghiệp 125 tỷ đồng, trong đó chi cho thủy lợi là 100 tỷ đồng, thủy sản 5 tỷ đồng và trồng trọt, chăn nuôi là 20 tỷ đồng. Thái Bình là tỉnh đầu tiên trong cả nước đi đầu thực hiện công nghiệp hóa sản xuất giống cây trồng. Hằng năm, Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cung ứng ra thị trường từ 2.000 đến 3.000 tấn giống lúa TBR-1 nguyên chủng và từ 6.000 đến 7.000 tấn giống các loại. Trong đó, có nhiều giống lúa như: TBR1, TBR45, BC15... của Thái Bình đã được địa phương các tỉnh từ Nam Trung bộ đến đồng bằng sông Hồng và miền núi, trung du phía Bắc đánh giá là giống lúa lý tưởng.

Nông dân hợp tác xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương, kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa trên diện tích thí điểm. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Hiện nay, tất cả các địa phương trong tỉnh đã thực hiện xong các chương trình điện, đường, trường, trạm, thông tin và nước sạch. Hơn 1.700 km đường giao thông nông thôn được trải nhựa hoặc bê-tông hóa. 100% số hộ nông dân được sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhiều vùng đã sử dụng đèn chiếu sáng các tuyến đường nông thôn. Tất cả các trạm y tế xã được chuẩn hóa và có bác sĩ là người địa phương. Hầu hết các trường học ở cả 3 cấp được xây hai, ba tầng, bảo đảm nơi nào cũng có trường lớp khang trang và an toàn. Tất cả trẻ em trong tỉnh đều được đến trường đúng độ tuổi và tỷ lệ tốt nghiệp THPT (trong độ tuổi) đạt 100%.

Trước đây, mỗi năm Thái Bình thường xuyên dành từ 25 đến 30 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân. Hiện nay, tỉnh dùng số tiền nói trên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp tập trung. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng công tác đào tạo nghề cho nông dân. Hằng năm, tỉnh đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn, với nhiều loại hình như tập trung, từ xa và tập huấn chuyên môn kỹ thuật tại chỗ. Qua đây đã trang bị những kiến thức cơ bản cho nông dân, giúp giải quyết khoảng 30 nghìn việc làm mới. Trong cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, Thái Bình đã hỗ trợ 5,8 tỷ đồng, đưa tổng số máy nông cụ toàn tỉnh hiện có lên gần 15 nghìn chiếc; nhất là trong các khâu làm đất, tưới tiêu, ra hạt, xay xát... được cơ giới hóa đạt gần 100%, góp phần không nhỏ về giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh thời vụ, giải phóng sức lao động.

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020 đến tất cả các xã và giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương tập trung hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa... Đến nay, toàn tỉnh có 204/267 xã hoàn thành xong quy hoạch chung xây dựng NTM, số xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 năm 2011. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, với mục tiêu: sản xuất phát triển, cuộc sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ; phấn đấu đến năm 2015 có trên 25% số xã đạt xã nông thôn mới.

Trong xây dựng NTM, Thái Bình đã xác định sản xuất phải đi trước, do đó việc quy vùng sản xuất hàng hóa, dồn điển đổi thửa... được tỉnh chỉ đạo khá quyết liệt. Trước đó, ở 8 xã điểm đã triển khai việc này nên rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các xã khác đang triển khai như tạo sự đồng thuận, huy động sức dân, hiến đất, ngày công lao động... Hiện nay ở 8 xã điểm, bình quân chỉ còn 1,15 – 1,8 thửa/hộ (trước chưa dồn điền là 3,7 thửa/hộ); nhân dân đã đóng góp hơn 1,2 triệu m2 đất để chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hạ tầng. Với những kinh nghiệm trên, các địa phương trong tỉnh đang tích cực tập trung chỉ đạo công tác dồn điển đổi thửa; hiện có 14 xã hoàn thành, tổng khối lượng đào đắp gần 640 nghìn m3; toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành xong dồn điền đổi thửa...

Trong những năm tới, Thái Bình thực hiện quy hoạch lại các khu dân cư nông thôn, không ngừng cải thiện điều kiện sinh hoạt của khu dân cư với việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hệ thống thoát nước thải, xử lý rác thải và thực hiện việc cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Riêng trong năm nay, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 8%; giải quyết việc làm mới cho 15.540 lao động và tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 80%. Trước mắt, Thái Bình tập trung chỉ đạo tất cả các xã hoàn thành quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng NTM, dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang giao thông, thủy lợi nội đồng 30% số xã; xây dựng điểm 3 mô hình vùng sản xuất hàng hóa tập trung lúa chất lượng cao, cây màu, cây vụ đông gắn với xây dựng nông thôn mới. Ðồng thời thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng NTM với triển khai các đề án phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn, chủ động kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, phát triển nuôi ngao vùng bãi triều ven biển... để sản xuất nông nghiệp càng ổn định và cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Thanh Phú


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN