Cung ứng xăng dầu và điện vẫn khó khăn

Giao ban trực tuyến sản xuất của Bộ Công Thương sáng 4/4 đã dành phần lớn thời gian bàn các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu và điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng xã hội, bởi hết quý I/2011, tình hình cung ứng hai loại hàng hóa đặc biệt này vẫn “nóng”.

Doanh nghiệp xăng dầu vẫn lỗ

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 2 lần trong quý I nhưng vẫn chênh lệch giá tới hơn 2.000 đồng/lít so với các nước có chung đường biên giới trên bộ và trên biển. Vì vậy, xăng dầu vẫn “chảy” qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiên Giang...

Mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn phải bù lỗ. Ảnh: Lê Phú


“Để đảm bảo lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường trong điều kiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải ngừng sản xuất để bảo dưỡng, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã phải tăng thị phần thêm 20%. Việc tăng thị phần này trong quý I đã khiến Petrolimex lỗ 2.630 tỷ đồng; trong đó phần phát sinh do chênh lệch tỷ giá từ ngày 11/2 vừa qua là 1.834 tỷ đồng”, Phó Tổng giám đốc Petrolimex Đàm Thị Huyền cho biết.

Trong khi đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu đang bị âm từ tháng 2 nên mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng nhưng quỹ vẫn âm 703 tỷ đồng.

Điện vẫn thiếu

Theo đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam: Trong quý I, tổng công ty đã phải tăng cường nhập khẩu thép bởi thiếu điện phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn này chưa thấm vào đâu so với ngành than. Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng điện bởi nếu điện hầm lò cũng bị cắt thì hoạt động khai thác than khó có thể đảm bảo an toàn.

Đại diện tỉnh Bắc Ninh cũng cho hay: Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Bắc Ninh đang kiến nghị UBND tỉnh bởi điện bị cắt quá nhiều.

Về phía EVN, Phó Tổng giám đốc Dương Quang Thành cho biết: Sản lượng điện thương phẩm quý I đạt 21,1 tỷ kWh, tăng 12,16%. Tuy nhiên, tăng trưởng điện vẫn gấp 2,25 lần so với tăng trưởng GDP; trong đó, điện cho sản xuất công nghiệp tăng 2,91 lần so với GDP. Điều này cho thấy việc sử dụng điện vẫn chưa tiết kiệm hiệu quả dẫn tới khó khăn cho hệ thống.

Giải bài toán cân đối cung cầu

Để đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trong nước và xóa bỏ hiện tượng thẩm lậu xăng dầu qua biên giới, trong tháng 4 này, Ban chỉ đạo Trung ương 127 sẽ ban hành quy chế kinh doanh xăng dầu ở biên giới; trong đó sẽ quy định cụ thể về thời gian mở cửa bán xăng dầu, đối tượng được phép mua xăng dầu đựng vào can, phuy chứa. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tình thế khi giá xăng dầu trong nước vẫn trong lộ trình điều chỉnh theo thị trường. Trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh nhanh hơn giá nhiên liệu khác và theo đúng tinh thần Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Ngoài ra, việc điều hành giá xăng dầu phải linh hoạt hơn theo hướng rút ngắn thời gian quyết định tăng giá xăng dầu để hạn chế tình trạng găm giữ, bán nhỏ giọt mỗi khi điều chỉnh giá bán lẻ. Giá xăng dầu cần điều hành theo thị trường và chỉ hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang đề xuất.

Cùng với xăng dầu, để bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, các giải pháp tiết kiệm điện nhằm giảm 10% lượng điện tiêu thụ cần tiếp tục được thực thi nghiêm ngặt. Đại diện Sở Công Thương Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể về giải pháp thực hiện tiết kiệm điện theo từng mức, từng nhóm ngành cụ thể để mục tiêu giảm 10% lượng điện tiêu thụ thành hiện thực.

Cùng với giải pháp triệt để tiết kiệm điện, giải pháp đẩy nhanh tiến độ đưa các nguồn điện bổ sung vào vận hành trên hệ thống điện phải khẩn trương thực hiện. Theo đó, trong quý II này, gần 1.000 MW công suất sẽ được bổ sung cho hệ thống, trong đó tổ máy 2 Thủy điện Sơn La sẽ đưa vào vận hành trong tháng 4. Tuy nhiên, ngoài những nguồn công suất lớn này, EVN cần tạo thuận lợi cho các nhà máy điện độc lập nằm trong dự án đạm Ninh Bình (gần 40 MW), nhà máy điện 30 MW trong tổ hợp Alumin Tân Rai... có thể bán điện và đấu nối vào hệ thống. “Tránh để tình trạng hệ thống điện đang thiếu nhưng một nhà máy thủy điện ở Kon Tum không thể phát điện lên lưới do chưa có đường dây truyền tải” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kết luận.

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN