Cung ứng phân bón “tắc” ở khâu vận chuyển

Vụ hè thu sắp sửa bắt đầu nên nhu cầu về phân bón sẽ tăng. Tuy nhiên, theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, năm nay có khả năng một số địa bàn có thể sẽ xảy ra hiện tượng khan hiếm phân bón do khâu vận chuyển. Vậy, khâu cung ứng phân bón đang bị "ách" và "tắc" ở đoạn nào?


Đủ lượng hàng cho mùa vụ


Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm, sản xuất phân bón trong nước tương đối ổn định, sản lượng phân đạm urê đạt 739.000 tấn, tăng 8,9%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sản xuất đạt 544.000 tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ…

 

Đóng gói sản phẩm phân đạm tại Công ty TNHH một thành viên Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Giám đốc Nhà máy Đạm Cà Mau Văn Tiến Thanh chia sẻ: Vụ hè thu năm nay, đạm Cà Mau có kế hoạch cung ứng ra thị trường cả nước hơn 200.000 tấn sản phẩm, trong đó, khoảng 150.000 tấn tiêu thụ tại đồng bằng sông Cửu Long. Lượng hàng còn lại được cung cấp cho các địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc.


Ở khu vực phía Bắc, do chưa vào vụ sản xuất chính nên nhu cầu sử dụng phân bón chưa tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân bón cũng đã chuẩn bị đủ lượng hàng để cung cấp cho bà con sản xuất. Bà Nguyễn Thị Toan, Trưởng phòng Thị trường, Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết, công ty đang dự trữ khoảng 50.000 tấn. Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng đã chuẩn bị khoảng 400.000 tấn phục vụ sản xuất vụ hè thu sắp tới.


Theo đại diện của một số công ty phân bón, lượng tiêu thụ đạm urê, DAP, NPK, SA đang tăng lên tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đây là những sản phẩm phân bón chủ yếu để chăm sóc cho cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày và lúa vụ hè thu. Nhu cầu này cũng đang tăng mạnh tại các khu vực tập trung sản xuất vụ hè thu chính vụ như An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh... Trước tình hình này, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã vận hành hết công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vận chuyển gặp khó


Tuy nhiên, cản trở (theo như cách nói của doanh nghiệp) lại nằm ở khâu vận chuyển, khi từ ngày 1/4, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện việc siết chặt kiểm tra các loại xe quá tải trọng. Điều đáng nói là việc kiểm tra này là hoàn toàn cần thiết và nằm trong kế hoạch kiểm tra hàng năm của Bộ, nên doanh nghiệp không thể coi là "bất ngờ". Chỉ có điểm khác là mức độ (về thời gian) kiểm tra kéo dài hơn, cương quyết hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn vận chuyển cao điểm, và với thời gian kiểm tra gắt gao, không ít doanh nghiệp đã bị động, phải tìm hướng vận chuyển khác để giải tỏa nguồn cung của mình.


Ông Nguyễn Duy Khuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết: Công ty đã chuẩn bị đủ lượng phân bón cho bà con, thậm chí còn phải ngừng sản xuất một số dây chuyền để giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, từ 1/4, tình hình vận chuyển phân bón của công ty cho nhiều khu vực trên cả nước gặp khó khăn.

Công ty chưa thể huy động đủ lượng xe cần thiết để vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, dẫn tới một số khu vực sẽ có hiện tượng khan hiếm phân bón. Để giải quyết tình trạng này, công ty đang tìm mọi cách để vận chuyển phân bón về các vùng miền kịp thời vụ. Nếu trước đây, việc vận chuyển bằng đường bộ là chủ yếu thì nay, công ty cố gắng sử dụng tất cả các phương tiện từ đường sông, đường biển, đường sắt để có thể vận chuyển đủ khối lượng hàng theo nhu cầu của bà con. Tuy nhiên, điều này khiến chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể.


Với việc giá cước vận tải tăng lên, phía Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã phải tiết kiệm sản xuất và giảm lương của người lao động để có tiền hỗ trợ cước vận chuyển từ 400.000 - 500.000 đồng/tấn phân bón đến các vùng xa, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, bù giá từ phía doanh nghiệp cũng chỉ đến một chừng mực, còn lại người tiêu dùng cũng phải "gánh" một phần, cho nên giá phân bón có thể tăng lên!


Bà Nguyễn Thị Toan, Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, cho biết: Gần 2 tháng nay, công ty gặp nhiều khó khăn do hàng loạt các nhà xe vận chuyển hàng đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty để “nghe ngóng” động thái kiểm tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải của các lực lượng chức năng. Điều này khiến việc vận chuyển sản phẩm của doanh nghiệp đến nơi tiêu thụ gặp trở ngại, dẫn tới “nguy cơ” doanh nghiệp không đảm bảo thời gian cung cấp phân bón cho các đại lý.


Đứng trước khó khăn của các doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ như: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa, Cục Hàng hải, Cục Hàng không, Tổng công ty đường sắt Việt Nam và các đơn vị kinh doanh vận tải khối lượng lớn,... tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, thiết lập lại thị trường vận tải bình đẳng với cơ cấu thị phần hợp lý giữa các phương thức.


Quang Toàn

Phát hiện 35 tấn phân bón nghi giả
Phát hiện 35 tấn phân bón nghi giả

Công an tỉnh Phú Yên vừa kiểm tra và phát hiện một vụ làm phân bón nghi giả với khối lượng 35 tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN