Công nghiệp hỗ trợ cần có chính sách đột phá

Sau hàng chục năm được “xây dựng và thúc đẩy”, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn ì ạch. Doanh nghiệp (DN) nội dù rất nỗ lực để tham gia vào chuỗi giá trị của CNHT nhưng vẫn loay hoay, trong khi chính sách hỗ trợ của Nhà nước dường như chưa “trúng”.

Tháng 9/2015, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã cử chuyên gia hỗ trợ tư vấn, nâng cao năng lực cho 9 công ty của Việt Nam. Chỉ trong 3 tháng áp dụng cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện chất lượng sản phẩm, 9 công ty của Việt Nam đã đáp ứng đủ điều kiện cung cấp linh kiện cho Samsung. Tại công ty in và đóng gói bao bì Goldsun, chỉ sau hơn 10 tuần, doanh nghiệp đã giảm được 72% tỷ lệ hỏng, tỷ lệ sản xuất đúng kế hoạch tăng từ 0% lên 94%. Tại công ty Mida, năng suất vận hành thiết bị tăng 59%, tỉ lệ hàng lỗi giảm 52%, tỉ lệ hàng tồn kho giảm 54%...

Công ty Cổ phần thép Bắc Việt, một trong số ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung cấp linh kiện hỗ trợ cho các tập đoàn Canon, Samsung, LG... Ảnh: Anh Tôn - TTXVN

Theo Công ty Điện tử Samsung Việt Nam, hiện đã có 190 DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, trong đó có 12 DN là nhà cung ứng cấp 1 và 178 DN là nhà cung ứng cấp 2. Ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc Khu Tổ hợp sản xuất Samsung đánh giá cao khả năng có thể tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện hỗ trợ cho Samsung của các DN Việt Nam, nhưng khuyến nghị các DN Việt Nam cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm, để có thể đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiến sĩ Sakurada, chuyên gia RMI, trưởng dự án nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, để doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, cần thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông Sakurada, về hình thức, bộ máy hỗ trợ DN ở Việt Nam cũng rất đầy đủ. Mỗi tỉnh có từ 2 - 3 trung tâm hỗ trợ DN thuộc Sở KH&ĐT, Sở Công Thương, nhưng chủ yếu ở khâu thủ tục hành chính, tư vấn pháp lý… trong khi cái DN cần là hỗ trợ công nghệ, quy trình sản xuất, giải pháp cải tiến sản phẩm thì lại thiếu và yếu.

Theo tiến sĩ Sakurada, Việt Nam có thể áp dụng mô hình trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp như mô hình Local Puloc Techlonogy Center - Kohsetsushi (LPTC) của Nhật Bản. Nhật Bản xếp CNHT là ngành sản xuất linh kiện, không phải ngành sản xuất ra thành phẩm nên chia thành 5 loại: DN cung cấp nguyên liệu thô; DN cung cấp máy móc khuôn mẫu; DN cung cấp linh kiện; DN lắp ráp và DN cung cấp nguyên vật liệu phụ (bao bì, gói). Mỗi địa phương dựa trên thế mạnh của mình sẽ chọn một lĩnh vực trọng tâm để phát triển CNHT và hình thành các trung tâm hỗ trợ phát triển CNHT. Các trung tâm này được đầu tư đầy đủ thiết bị, máy móc để hỗ trợ DN kiểm tra chất lượng sản phẩm của DN, kết nối với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu công nghệ, kết nối các nhà DN lớn nhập linh kiện. Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ của trung tâm có thu phí, nhưng rất thấp với mục tiêu hỗ trợ DN là chính.

Nhận xét về các chính sách phát triển CNHT, giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam có thể học tập mô hình LPTC của Nhật Bản thì thay vì cấp ngân sách cho 63 tỉnh, thành “nuôi” trung tâm hỗ trợ DN thì nên đầu tư hình thành thành 3 trung tâm lớn đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và miền Trung, các trung tâm này được đầu tư công nghệ, thiết bị, nhân lực để đủ khả năng hỗ trợ DN trong lĩnh vực CNHT.

Đồng quan điểm với giáo sư Nguyễn Mại, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đã đến lúc cần phải hỗ trợ DN một cách thực chất hơn, quan trọng là hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật, giải pháp để DN làm ra sản phẩm có chất lượng. “Thái Lan, Malaysia họ đã áp dụng mô hình LPTC của Nhật Bản và CNHT của họ rất phát triển, nên Việt Nam không nên đi đường vòng nữa. Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập thí điểm các trung tâm như LPTC của Nhật Bản, tập trung hoạt động là hỗ trợ DN đi vào sản xuất sản phẩm cụ thể, để DN tham gia thành công vào chuỗi giá trị”, bà Quế Anh nói.

Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% chi phí; 75% cho dự án chế biến sâu khoáng sản trong nước phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cá nhân tham gia dự án CNHT được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong, ngoài nước theo các chương trình đào tạo của nhà nước. Các sản phẩm CNHT được tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong, ngoài nước.

Trích Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, về phát triển công nghiệp hỗ trợ, có hiệu lực 1/1/2016


XH
Vướng mắc cơ chế tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ
Vướng mắc cơ chế tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được đánh giá là ngành công nghiệp cơ bản, thúc đẩy các ngành CN khác phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang loay hoay tìm cách giải bài toán vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN