Công nghệ sản xuất gang, thép phải tiết kiệm năng lượng

Từ ngày 1/6/2014, Thông tư số 03/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về công nghệ, thiết bị sản xuất gang, thép sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này ra đời được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý tốt việc sản xuất thép, nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm thép vừa đảm bảo chất lượng cao nhưng đồng thời cũng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Xung quanh vấn đề này, hóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương).

ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương)



PV: Ông có thể cho biết sự cần thiết ra đời Thông tư 03/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương?

Ông Bùi Quang Chuyện: Chúng ta đã biết, ngành thép Việt Nam hiện đã hội nhập rất sâu và việc sản xuất thép cũng đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Điều này giúp cung cấp đủ, đa dạng các sản phẩm thép xây dựng, phôi thép, thép tấm cán nguộn, thép ống… cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công này, ngành thép đã bộc lộ những điểm yếu, như nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thép quy mô, công suất nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều điện năng và đặc biệt không thân thiện với môi trường… Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Công Thương đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Thông tư này nhằm tạo cơ sở pháp lý, quy chuẩn thiết bị, công nghệ sản xuất gang, thép.

PV: Vậy Thông tư 03 tâp trung điều chỉnh những đối tượng nào, thưa ông?

Ông Bùi Quang Chuyện: Nội dung Thông tư 03 của Bộ Công Thương quy định về công nghệ và thiết bị trong sản xuất phôi, quặng, luyện cốc, luyện gang lò cao và luyện thép lò điện …; đồng thời, quy định về thiết bị công nghệ đối với các cơ sở sản xuất thép tấm cán nóng, thép tấm nói chung và đối với thép thanh. Đối tượng áp dụng của Thông tư là các cơ sở sản xuất mới đầu tư xây dựng và những cơ sở sản xuất đang hoạt động nhưng muốn đầu tư nâng cấp trang thiết bị sản xuất. Đối với các cơ sở sản xuất thép hợp kim, thép đúc và thép xốp không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 03.

Theo Quyết định 694/QĐ-BCT ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép từ nay đến năm 2020 và có xét đến năm 2025, mục tiêu phát triển đến năm 2020 sẽ dần xóa bỏ những cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất thép, cơ sở sản xuất gang phải căn cứ vào quy hoạch của ngành thép để tự cải tiến và nâng cấp thiết bị hoặc đầu tư công nghệ mới. Có như vậy, các doanh nghiệp này mới sản xuất được những sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.


PV: Tác động của Thông tư 03 như thế nào đối với các doanh nghiệp, nhà quản lý và người tiêu dùng, thưa ông?

Ông Bùi Quang Chuyện: Điều đầu tiên có thể khẳng định, khi Thông tư 03 ra đời sẽ giúp ích cho cả các nhà quản lý, giúp các doanh nghiệp và cả người dân. Thứ nhất, đối với các cơ quan quản lý, Thông tư 03 sẽ là văn bản pháp lý giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở vững chắc để quản lý chặt chẽ, tốt hơn các cơ sở sản xuất thép, tránh được sự đầu tư manh mún, dàn trải hoặc các cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ và thiết bị công nghệ lạc hậu. Thứ hai, khi Thông tư 03 ra đời sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thép thấy được sự cần thiết phải đầu tư những cơ sở sản xuất quy mô lớn, có trang thiết bị tiên tiến, thân thiện với môi trường. Điều đó sẽ giúp cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp có hiệu quả hơn, có tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác ở trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Thứ ba, Thông tư 03 giúp người dân được hưởng lợi bởi lẽ từ 1/6 tới, khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, các cơ sở sản xuất sẽ phải sản xuất ra những sản phẩm có tiêu chuẩn đảm bảo, giúp người tiêu dùng được sử dụng các loại thép tốt hơn và giải quyết, giảm thiểu những cơ sở sản xuất thép không có thương hiệu hoặc những sản phẩm kém chất lượng đưa ra thị trường.

Đi cùng với Thông tư 03, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư Liên tịch số 44/TTLT-BCT-BKHCN ngày 31/12/2013 quy định tiêu chuẩn thép trong nước và thép nhập khẩu. Thông tư này sẽ quy định các doanh nghiệp thép sản xuất trong nước cũng phải đảm bảo được những tiêu chuẩn thép đề ra, đồng thời, giúp các doanh nghiệp tự cải tiến thiết bị, công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm thép đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Không chỉ vậy, để Thông tư 03 đi vào cuộc sống, chúng tôi mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng, các bộ, ngành, doanh nghiệp và kể cả người dân phối hợp tăng cường sự quản lý, giám sát, tăng cường thông tin tuyên truyền để giúp Bộ Công Thương thực hiện tốt Thông tư 03 này.

PV: Xin cảm ơn ông.

Quang Toàn (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN