Công bố chứng nhận nhãn hiệu cam Văn Chấn

Ngày 3/12, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” cho sản phẩm cam quả của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Yên Bái, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ và UBND huyện Văn Chấn đã trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho các tập thể và tổ chức gắn nhãn hiệu đã được chứng nhận lên sản phẩm cam Văn Chấn.

Đồng chí Triệu Tiến Thịnh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Trần Văn Mộc – Bí thư Huyện ủy Văn Chấn dán nhãn hiệu cam Văn Chấn. Ảnh: yenbai.gov.vn

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Lâm, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, tỉnh Yên Bái cần tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình trồng, bao bì, đóng gói… để nâng cao và phát huy giá trị của nhãn hiệu cam Văn Chấn đã được công nhận. Từ đó, giúp cho tỉnh Yên Bái và bà con trồng cam phát triển, mở rộng vùng cam sạch, nâng cao đời sống.

Vùng cam được cấp nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” gồm 8 xã và một thị trấn của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái: Minh An, Bình Thuận, Tân Thịnh, Đại Lịch, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú. Tổng diện tích vùng cam được cấp nhãn hiệu là 517,7 ha của 491 hộ sản xuất.

Mẫu nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” có màu vàng cam và xanh lá cây, gồm hình mô phỏng quả cam màu vàng, nằm chính giữa, phía trên quả cam có cuống và hai lá màu xanh lá cây, phía dưới bên trong quả cam có hình chữ “V” màu xanh lá cây vẽ cách điệu. Phía ngoài bên dưới quả cam là chữ “CAM VĂN CHẤN” màu xanh lá cây uốn cong theo phần đế quả cam. Các yếu tố này được đặt trong một hình tròn có màu vàng cam.

Toàn diện tích cam của huyện Văn Chấn hiện nay là trên 1.300 ha, trong đó trên 800 ha đang cho thu hoạch. Năng suất từ 12 – 15 tấn/ha, với tổng sản lượng trên 8.000 tấn, mỗi năm cho doanh thu trên 200 tỷ đồng.

Để mở rộng phát triển vùng cam, huyện Văn Chấn đã xây dựng đề án “Phát triển vùng cam quýt các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện Văn Chấn giai đoạn 2016 – 2020”, mục tiêu đến năm 2020, huyện Văn Chấn sẽ có vùng cam, quýt hàng hóa tập trung bền vũng với năng suất, chất lượng cao. Tổng diện tích đến năm 2020 sẽ là 2.500 ha và sản lượng đạt 15 -20 nghìn tấn.

Nằm trong đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, khí hậu và các điều kiện kinh tế - xã hội, cam Văn Chấn được đánh giá là loại cây trồng phù hợp với địa phương. Chất lượng quả cũng như giá trị kinh tế cao, có hương vị đặc trưng riêng.

Ông Phan Nguyên Hà, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, các hộ trồng cam ở Văn Chấn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, đồng thời sẽ bảo đảm đúng quy trình để thực hiện cam kết cung cấp ra thị trường những sản phẩm cam sạch, an toàn, nâng cao giá trị nhãn hiệu cam Văn Chấn đã được công nhận, phát triển thành thương hiệu.

Sau khi được cấp nhãn hiệu riêng, huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục khai thác, quản lý, phát huy giá trị thương hiệu mang lại để phát triển vùng cam: Tiếp tục thực hiện đúng quy trình canh tác, hoàn thiện hệ thống nhận diện, bao bì, nhãn mác, mã vạch, phát triển các kênh phân phối sản phẩn mang đúng nhãn mác nhằm phát triển vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.


Đinh Hữu Dư (TTXVN)
Giữ thương hiệu cam sành Hàm Yên
Giữ thương hiệu cam sành Hàm Yên

Huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai Đề án thực hiện mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap từ năm 2013. Sau 3 năm, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với sự tham gia nhiệt tình của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN