Có thêm nhiều doanh nghiệp được nâng hạng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), ông Nguyễn Nhất Kha cho biết: Qua giai đoạn đầu triển khai “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan”, đã có 70 doanh nghiệp trong tổng số 213 doanh nghiệp tham gia - được nâng hạng mức độ tuân thủ, từ mức 3, 4 lên mức độ 2 (tuân thủ cao).

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý rủi ro trao kỷ niệm chương cho đại diện 10 doanh nghiệp tiêu biểu tham gia “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan”. Ảnh: T.B

Dự kiến năm 2023 sẽ có thêm một số doanh nghiệp tham gia chương trình trên, lên tới 85/213 doanh nghiệp. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Tại Diễn đàn Hải quan - Doanh nghiệp 2023 với chủ đề “Hải quan Việt Nam: Tạo động lực mới cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá”, tổ chức ngày 6/9, Tổng cục Hải quan đã biểu dương 10 doanh nghiệp tiêu biểu, tích cực tham gia “Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan”.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, ông Hoàng Việt Cường, Chương trình “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan” đang được đẩy mạnh tại các Cục hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật.

“Thời gian tới, cơ quan Hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách. Chúng tôi đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Và sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết.

Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro Nguyễn Nhất Kha cho biết: Kết quả triển khai trong giai đoạn 1 có 213 doanh nghiệp tham gia chương trình tại 35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Việc triển khai chương trình mang lại lợi ích cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Phía cơ quan Hải quan đã hình thành bộ máy 3 cấp từ Tổng cục, cục hải quan, chi cục hải quan với lực lượng cán bộ chuyên trách 123 cán bộ để theo dõi, trợ giúp doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan; hơn 153 các kiến nghị, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp này được hướng dẫn, giải đáp, đạt tỷ lệ 100%.

Việc tham gia chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Ratchapol Thanawarith, đại diện Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA cho biết: “Sau khi trở thành thành viên chương trình, doanh nghiệp đã được hưởng nhiều lợi ích khác biệt so với các doanh nghiệp thông thường khác. Theo đó, Cục Hải quan Bình Dương đã tư vấn, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, đảm bảo nhanh chóng kịp thời giúp doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc phát sinh. Kết quả mức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã cải thiện từ mức tuân thủ trung bình lên mức tuân thủ cao khi tham gia chương trình”.

Theo ông Ratchapol Thanawarith, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giải thích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia chương trình là rất cần thiết. Về phía doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tự nguyện tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về hải quan nói riêng để trở thành văn hóa tuân thủ pháp luật hải quan như diễn đàn năm nay đã đề cập.

10 doanh nghiệp tiêu biểu gồm: Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A (Việt Nam); Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Thái Tân; Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú; Công ty CP 28 Đà Nẵng; Công ty Cổ phần Frit Huế; Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA; Công ty TNHH Chế tạo động cơ Zongshen Việt Nam; Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Liên hợp Việt Nam; Công Ty TNHH Uti Vina; Công ty LD TNHH Nippon Express (Việt Nam)
Minh Phương/Báo Tin tức
Hải quan số khơi thông dòng chảy thương mại
Hải quan số khơi thông dòng chảy thương mại

Hiện nay, việc đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu đang là chủ trương của Chính phủ. Để có thể thúc đẩy nhanh lưu lượng hàng hóa, rất cần hệ thống thủ tục hải quan số bắt kịp với quốc tế. Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan. Qua đó góp phần cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN