Cơ hội xuất khẩu năm 2012

Mặc dù năm 2011, xuất khẩu (XK) đã có sự bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ tới 33%, nhưng bước sang năm 2012, ngành công thương chỉ dự kiến mức tăng xuất khẩu khoảng 13%. Mặc dù vậy, mục tiêu tăng trưởng XK ở mức khiêm tốn này cũng không dễ đạt được do kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Áp lực mục tiêu 100 tỷ USD

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận định: Mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch XK khoảng 108,8 tỉ USD, tăng khoảng 13% của năm 2012 là thách thức rất lớn.

Sức ép gia tăng giá trị hàng xuất khẩu

Năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, nhất là sự suy giảm kinh tế tại nhiều nước châu Âu và xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt 96,3 tỷ USD, tăng 33,3% so với 2010.

Dây chuyền sơ chế tôm tại Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Thọ Quang (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung). Ảnh: An Đăng - TTXVN


Năm 2011, nhóm hàng xuất khẩu có thêm hai mặt hàng là túi xách, va li, mũ, ô dù và sản phẩm từ sắt thép có kim ngạch trên 1 tỷ USD, đưa các mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD lên con số 23 mặt hàng. Thành tích này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các thành phần kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài và cũng nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương, trong đó Bộ Công Thương là đơn vị đầu mối tham mưu cho Chính phủ và là cơ quan trực tiếp triển khai công tác XK.

Có thể thấy, nhiều mặt hàng trong năm nay đã đạt được kết quả XK tốt cả về số lượng cũng như giá trị, nhiều thị trường có mức tăng trưởng rất tốt như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Phi, Tây Nam Á... Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng XK đã góp phần tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế, giúp Chính phủ bình ổn những yêu cầu về kinh tế vĩ mô, tạo ra nguồn ngoại tệ và giúp tỷ giá đồng tiền Việt Nam ổn định.

Mặc dù kim ngạch XK trong năm 2011 đã tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Điều này thể hiện rõ khi nhiều ngành hàng XK tăng trưởng mạnh nhờ dựa vào đà tăng giá của thị trường thế giới chứ không phải sự gia tăng sản lượng. Bên cạnh đó, mặc dù quy mô và tốc độ tăng trưởng cao nhưng chất lượng tăng trưởng XK chậm cải thiện do cơ cấu hàng hóa XK chủ yếu vẫn là XK thô dựa vào lợi thế sẵn có...

Ngành hàng da giày đã có mức tăng trưởng XK tốt trong năm 2011 nhưng ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng thừa nhận thực trạng: “Tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu của các ngành da giầy... khá lớn, điều đó thể hiện tính gia công lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến tình trạng: Khi giá cả thế giới tăng, chi phí sản xuất trong nước tăng theo, ảnh hưởng nhiều đến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.

Không chỉ da giày, nhiều ngành hàng XK chủ lực khác của Việt Nam như dệt may, sản xuất linh kiện điện tử... cũng trong tình trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu. Việc chưa chủ động được nguyên liệu là thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết. Bởi, hoạt động đầu tư cho các dự án sản xuất hàng XK hiện vẫn ở quy mô nhỏ, thiếu dự án đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý còn nhiều lúng túng trong việc thông tin, định hướng cho DN phát triển sản xuất hàng XK. Hiện, hạ tầng phục vụ hoạt động XK như cảng, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan... còn thiếu, nhiều dịch vụ cơ bản hỗ trợ XK như điện, nước, thông tin liên lạc… tính độc quyền cao, khả năng cung cấp yếu. Điều này làm tăng chi phí giao dịch, giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng XK.

Nguy cơ biến động thị trường

Để tăng XK, việc củng cố các thị trường truyền thống và mở ra những thị trường mới là cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, trong năm 2012, tình hình kinh tế khu vực và thế giới còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Những nền kinh tế vẫn phục hồi sau suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính sau 2008 - 2009, hoặc những nền kinh tế có tín hiệu phát triển hoặc có động thái tích cực thì hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tình hình nợ công ở châu Âu và khu vực đồng tiền chung Euro đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với XK của Việt Nam. Nếu những diễn biến bất lợi ở khu vực châu Âu không được cải thiện thì XK của Việt Nam vào thị trường này sẽ càng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang lo ngại khủng hoảng nợ công châu Âu có thể sẽ tác động đến các khu vực khác như là châu Mỹ và một số nước châu Á, trong đó, có nhiều nước là những thị trường XK trọng điểm của Việt Nam.

Những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, có thể khiến cho tình hình thị trường XK của hàng hóa Việt Nam ngày càng diễn biến nhanh và phức tạp, khó lường... Điều này đòi hỏi những phản ứng linh hoạt. “Nhiều mặt hàng trước đây chúng ta kỳ vọng có lợi thế XK thì hiện nay đang gặp những vấn đề cần xử lý gấp. Đơn cử như mặt hàng lúa gạo, có thời điểm, XK đạt giá trị rất cao, nhu cầu rất lớn, giá gạo trên khu vực và thế giới rất cao do ảnh hưởng của lũ lụt Thái Lan và chính sách mua gạo của Chính phủ mới Thái Lan.

Nhưng sau đó, tình hình đảo ngược, lượng gạo bán ra của Ấn Độ, Pakixtan đã làm cho giá gạo không những không tăng mà lại giảm, điều này kéo giá lúa gạo XK của Việt Nam đi xuống khiến lượng doanh nghiệp đăng ký hợp đồng hiện nay rất thấp. Tuy năm 2011 Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn gạo, là sản lượng kỷ lục, nhưng năm 2012 khó khăn đặt ra đối với việc XK gạo nói riêng, cũng như đối với hàng hóa Việt Nam nói chung rất là lớn”, Thứ trưởng Biên dẫn chứng. Từ thực tế trên, theo Thứ trưởng Biên, tình hình thị trường có những thay đổi rất nhanh đòi hỏi các bộ, hiệp hội ngành hàng và cả các DN phải chủ động hơn và nhanh nhạy hơn trong tiếp cận thị trường.

Để mở rộng thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ toàn ngành Công Thương năm 2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội khai thác các thị trường XK. Hiện nay, nhiều DN vẫn chưa tận dụng triệt để lợi ích từ các hiệp định thương mại đã ký kết để khai thác hết tiềm năng các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… nên tăng trưởng kim ngạch XK chưa tăng mạnh.

Thu Hường

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN