Cơ hội phát triển kinh tế cho người nghèo vùng cao

Bảo Lạc là một trong những huyện nghèo nhất nước của tỉnh Cao Bằng, việc phát triển kinh tế xã hội nơi ở nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, sự hợp tác trồng dâu nuôi tằm giữa huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng và huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã mang lại hiệu quả bước đầu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân nghèo nơi đây.

Xuất phát từ chủ trương hợp tác quốc tế trồng dâu nuôi tằm giữa huyện Bảo Lạc với huyện Nà Po, năm 2012, huyện Nà Po đã hỗ trợ kinh phí cho 5 nông dân xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba, Bảo Lạc sang học tập kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm tại Nà Po. Các hộ được tham gia dự án được hỗ trợ giống cây dâu, cung cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu tằm.

UBND huyện Bảo Lạc đã hỗ trợ xây dựng nhà tằm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cử cán bộ hướng dẫn, theo dõi mô hình. Ban đầu, mô hình chỉ có 11 hộ dân xóm Phiêng Mòn tham gia trồng 3 ha dâu để nuôi tằm. Trải qua những khó khăn ban đầu, đến nay, mô hình đã có những kết quả ban đầu tích cực, năng suất đạt 1,5 tấn kén/ha, trừ chi phí đầu tư lãi hơn 65 triệu đồng/ha, cao hơn những cây trồng truyền thống như lúa, ngô và các cây trồng khác. Từ kết quả này, nhiều hộ nông dân ở Bảo Lạc đã mạnh dạn chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm.

Anh Nông Văn Hoàn, xóm Nà Nôm, xã Hồng Trị huyện Bảo Lạc cho biết, “Năm 2012, thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm ở Phiêng Mòn, xã Cô Ba đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đến tận nơi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Năm 2013 tôi chính thức đầu tư mua giống dâu về trồng, mua giống tằm về nuôi. Tuy nhiên, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn. Tằm chết nhiều, chỉ thu hoạch được 2 lứa với 140 kg kén”.

Quyết tâm khắc phục khó khăn, anh Hoàn đã học tập kỹ thuật, rút kinh nghiệm thất bại từ vụ trước nên dần dần thành công đã đến với anh. Năm 2015, anh nuôi được 12 lứa tằm, trừ chi phí cho thu nhập 120 triệu đồng. Năm 2016, anh nuôi 11 lứa tằm, bình quân mỗi lứa cho thu 80 - 90 kg kén, trừ chi phí thu 145 triệu đồng.

Theo kinh nghiệm của anh Hoàn, để nuôi tằm thành công cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chỗ nuôi tằm phải khô ráo, nền láng xi măng sạch sẽ, xung quanh quây bằng bạt đảm bảo kín gió, khử trùng đúng định kỳ.

Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Bảo Lạc đã phát triển, nhân rộng ra nhiều xã biên giới như Cốc Pàng, Cô Ba, Khánh Xuân và lan rộng đến nhiều xã nội địa như: Hồng Trị, Bảo Toàn... với diện tích tăng lên hơn 110 ha dâu. Nhờ trồng dâu nuôi tằm, nhiều hộ dân ở Bảo Lạc đã có thu nhập khá, từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng/năm.

Đối với đồng bào nghèo ở vùng cao như huyện Bảo Lạc, đây là thu nhập khá lớn và quan trọng hơn, nó mở ra một hướng đi mới ổn định cho các hộ phát triển kinh tế. Các hộ điển hình trồng dâu mang lại thu nhập khá là: hộ Nguyễn Văn Và, Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn SLấn..., xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba; Hoàng Việt Hùng, xóm Khuổi Đẩu, xã Cốc Pàng; Nông Văn Chấn, Nông Văn Bằng, Lều Văn Vạn, xã Hồng Trị …

Bà Lãnh Thị Mai, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc cho biết, tiềm năng hợp tác phát triển trồng dâu nuôi tằm ở địa phương còn rất lớn, cần được khai thác hiệu quả hơn. Đối với người dân, việc trồng dâu nuôi tằm không quá khó và hoàn toàn có thể thực hiện được. Vốn đầu tư trồng dâu, nuôi tằm không lớn, chỉ khoảng 30 triệu đồng cho mỗi hộ, gồm mua hom giống dâu, phân bón, vật dụng nuôi... Bình quân để nuôi được một lứa tằm cần trồng khoảng 0,5 ha dâu. Mỗi lứa chi phí mua tằm giống khoảng 500 nghìn đồng. Việc đầu tư cây giống chỉ thực hiện trong năm đầu tiên; nếu biết cách chăm sóc, phòng trừ bệnh tốt sẽ sớm cho thu hoạch, thời gian sống của cây dâu có thể kéo dài 10 - 15 năm.

Như vậy, có thể khẳng định trồng dâu nuôi tằm của Bảo Lạc đang là hướng đi đúng cho nông dân thoát nghèo bền vững. Năm 2017, huyện sẽ vận động nông dân mở rộng diện tích trồng dâu, phấn đấu nâng diện tích cây dâu lên 300 ha. Cùng với đó, huyện sẽ tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm kén tằm, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn.

Quốc Đạt (TTXVN)
Đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm lên vùng núi
Đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm lên vùng núi

Sự linh hoạt, nhạy bén khi đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm về xã Chấn Thịnh, của ông Lò Văn Mậu không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN