Cơ hội cho thủy sản phát triển

Trong 5 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng không đáng kể, đạt dưới 7 tỷ USD/năm, trong đó cả hai mặt hàng quan trọng là tôm và cá tra đều giảm giá trị. Nguyên nhân chính là do chậm đổi mới công nghệ và dịch bệnh, thiếu các chiến lược đột phá khiến vị thế cạnh tranh của thủy sản Việt Nam suy giảm.

Tăng tỷ lệ nuôi trồng

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, cho biết ngành Thủy hải sản được xem là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng góp 4 - 5% GDP của cả nước. Năm 2015, ngành thủy sản Việt Nam đã khai thác hải sản đạt 2,7 triệu tấn, khai thác nội đồng đạt 200.000 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3,5 triệu tấn, xuất khẩu thủy sản đạt hơn 6,7 tỷ USD. Dự kiến năm 2016, các chỉ tiêu sản lượng và xuất khẩu sẽ đạt cao hơn năm 2015 từ 5 - 6%.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, nguồn nguyên liệu trên vẫn không đủ để đáp ứng công suất hoạt động của khoảng 600 nhà máy chế biến thủy sản trong cả nước. Nguyên nhân nguồn nguyên liệu chính để cung cấp chế biến thủy sản đến từ tự nhiên cạn kiệt trong những năm gần đây, trong khi nguồn cung nguyên liệu từ nuôi trồng luôn không ổn định. “Thực tế nguồn nguyên liệu khai thác thủy hải sản ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng được 70% chế biến, 30% còn lại chúng ta phải nhập từ các nước khác, chủ yếu từ Thái Lan”, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết.

Nguồn nguyên liệu khai thác thủy hải sản ở Việt Nam chỉ mới đáp ứng được 70% chế biến.

Trước tình hình đó, việc nuôi trồng thủy sản trong nước được đẩy mạnh. Nhờ vậy, ngành nuôi trồng tăng trưởng nhiều và đã đóng góp chủ yếu cho việc chế biến và xuất khẩu. Cụ thể, trong vòng 22 năm qua, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng trung bình 17%, góp 60 - 65% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy hải sản, trong khi đó đánh bắt chỉ tăng 5,5%. Hiện nay, tôm và cá tra là hai sản phẩm chiến lược của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Trong đó, cá tra đạt 1 triệu tấn/năm, với diện tích 5.000 ha; con tôm tuy diện tích chỉ có 600 ha, nhưng sản lượng đạt đến 600.000 tấn/năm.

Hợp tác đánh bắt xa bờ

Việc nuôi trồng thủy hải sản chỉ là giải pháp an toàn và không thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Bởi khi Việt Nam càng hội nhập sâu rộng, ngành thủy hải sản Việt Nam càng có nhiều thách thức lớn, như: Quy định của thị trường xuất khẩu mỗi nơi một khác, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, môi trường và trách nhiệm xã hội... Vì thế, nhiều ý kiến các chuyên gia trong ngành cho rằng, nên tìm các vùng biển giàu nguyên liệu để đánh bắt một cách hợp pháp. Có như vậy mới ổn định quản trị trong ngành Thủy sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, ngư trường Indonesia có rất nhiều tiềm năng để hợp tác đánh bắt. Ngày 27/1/2010, Việt Nam và Indonesia đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác thủy sản giữa hai nước và hiện nay đã hết hiệu lực. Vì thế, ngày 26/7/2016, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Vũ Văn Tám và bà Susi Pudjiatuti, Bộ trưởng Bộ Biển và Thủy sản Indonesia đã có buổi làm việc với nhau và nhất trí tiếp tục tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác thủy sản và sớm có MOU trong thời gian tới để giải quyết vấn đề tàu cá, ngư dân liên quan đến hoạt động đánh bắt hợp pháp.
Ông Nilanto Perbowo, Cục trưởng Cục sản phẩm cạnh tranh, Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia, cho biết hiện Indonesia đang mở rộng cửa để mời gọi đầu tư và hy vọng trong năm 2016 sẽ có những chính sách mới để hai nước cùng hợp tác khai thác thủy sản. Hiện những vùng khai thác cá ở Indonesia đã sẵn sàng, nếu chỉ riêng Indonesia khai thác sẽ khó thực hiện, nên rất cần sự hợp tác đầu tư lâu dài từ 10 - 20 năm. Theo đó, các ủy ban hợp tác về nghề cá của Indonesia đã hình thành, nếu Việt Nam hợp tác với Indonesia thì có thể khai thác nguồn cá ngừ.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng cho biết, việc hợp tác khai thác hải sản hai nước hiện nay đang có nhiều vướng mắc. Nhất là quy định không cấp phép cho tàu cá nước ngoài, kể cả tàu cá doanh nghiệp nước ngoài có 100% vốn đầu tư trực tiếp từ vùng biển Indonesia. Vì thế, trên cơ sở hai nước đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Bộ Biển và Thủy sản Indonesia xem xét ưu tiên cơ chế đặc thù, tạo điều kiện các doanh Việt Nam để có thể liên doanh, liên kết và đầu tư thuận lợi trên các lĩnh vực cá khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ hàng thủy sản, đem lại lợi ích cho cả hai bên.

Hiện nay thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia và các vùng lãnh thổ, trong đó các mặt hàng chính đạt giá trị xuất khẩu cao, bao gồm nhuyễn thể, cá ngừ, cá tra, tôm... 


Thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua với giá trị xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD. EU là thị trường lớn thứ 2 với giá trị xuất khẩu là 1,1 tỷ USD và Nhật Bản đứng thứ 3 với giá trị xuất khẩu là 1 tỷ USD.


Bài và ảnh: Hải Yên
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,4 tỷ USD
Xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,4 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 11/2016 ước đạt 661 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN