Cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa theo kịp thực tiễn

kCác địa phương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ người nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn thấp và thiếu đồng bộ.

Tỉ lệ cơ giới hóa thấp

Theo chương trình xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung mang tính quyết định để thực hiện thành công các tiêu chí, giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân. Trong những năm qua, mặc dù việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã được quan tâm và có bước tiến đáng kể, song nhìn chung cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nước ta vẫn còn hạn chế.

TS Đoàn Xuân Thìn, Phó Tổng thư ký Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, nhiều khâu trong trồng lúa như gieo cấy, bơm thuốc trừ sâu, gặt… vẫn chủ yếu làm thủ công, việc áp dụng cơ giới hóa chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, bơm nước, tuốt đập. Ở một số loại cây trồng như: hoa màu, mía, tỷ lệ cơ giới hóa chỉ đạt khoảng 20%.

Theo TS Thìn, kể cả các loại cây trồng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê..., việc cơ giới hóa mới chỉ được tiến hành ở công đoạn bơm nước tưới. Nhiều khâu khác vẫn chủ yếu làm thủ công, ví dụ khâu thu hoạch hoàn toàn bằng tay”.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp tại xã Phong Phú, huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Ảnh: Huy Hoàng - TTXVN


Tại miền Bắc, trong những năm gần đây, một số tỉnh đã bắt đầu đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt là khâu làm đất và thu hoạch, một số xã xây dựng nông thôn mới đã đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch và làm dịch vụ ở các xã lân cận. Nhưng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc áp dụng cơ giới hóa vẫn còn làm theo kiểu đơn lẻ, thiếu sự liên kết nên hiệu quả chưa cao.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cơ điện, Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, so với các nước trong khu vực, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, trang bị động lực bình quân mới đạt 1,2 CV (mã lực)/ha. Trong đó, vùng cao nhất là đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,85 CV/ha, đồng bằng sông Hồng đạt 0,85 CV/ha, thấp nhất là miền núi phía Bắc chỉ đạt 0,39 CV/ha. Hơn nữa, do chủ yếu mua máy móc, thiết bị về tự học hoặc học hỏi lẫn nhau chứ chưa được đào tạo, tập huấn nên trình độ sử dụng trang thiết bị của người nông dân còn hạn chế.

Liên kết để tạo điều kiện cơ giới hóa

Theo kết quả tính toán của Viện Cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp tiết kiệm được 20 – 33% công lao động, 20 – 28% chi phí sản xuất và giảm 45 – 50% tổn thất sau thu hoạch. Riêng chi phí giống giảm 32 – 38%. Việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động cho người nông dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng mức độ cơ giới hóa của nước ta hiện vẫn còn thấp.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để đẩy mạnh công tác cơ giới hóa trong nông nghiệp, thì các địa phương phải hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, mở rộng hệ thống giao thông đồng ruộng, thủy lợi nội đồng, thì mới đưa được máy móc vào đồng ruộng.

Ông Nguyễn Xuân Mận, Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc tiến hành cơ giới hóa phải làm đồng bộ theo hướng kết hợp cả nhà cơ khí lẫn nhà nông học. Cụ thể, các nhà nông học sẽ nghiên cứu, đưa ra loại giống phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng, kết hợp với đó, nhà cơ khí đưa máy móc vào gieo cấy hàng loạt, đảm bảo cây trồng chín cùng thời điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hoạch bằng máy móc.

“Các thành phố lớn như Hà Nội nên đi đầu trong việc xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, kết hợp cơ giới hóa với nghiên cứu giống để xây dựng các vùng lúa, rau hàng hóa, quy mô lớn, đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho các vùng trọng điểm” – ông Mận chia sẻ.

Nếu làm tốt việc liên kết trên và ứng dụng cơ giới hóa một cách đồng bộ, chắc chắn sản xuất nông nghiệp nước ta sẽ có bước khởi sắc. Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn mua sắm máy móc cho người nông dân. Mặc dù Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi vay vốn cho nông dân như Quyết định 497, Nghị định 41… nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao (theo các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay ở mức 17- 19%/năm), ngay cả khi được vay ưu đãi thì lãi suất vẫn ở mức 15%/năm. Như vậy, rất khó cho người nông dân có thể vay vốn để tiến hành cơ giới hóa. Xem ra bài toán cơ giới hóa vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía chính quyền thay vì kêu gọi người dân.

VH

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN