Có chỉ dẫn địa lý, dân Đồng Nai ngưng chặt chôm chôm bản địa

Trước đây, nông dân Đồng Nai chỉ trồng chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (chôm chôm bản địa). Từ năm 2010, chạy theo lợi nhuận, người dân ồ ạt chặt bỏ chôm chôm bản địa, chuyển sang trồng chôm chôm Thái.

Giữa năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý” cho sản phẩm chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn thị xã Long Khánh. Có chỉ dẫn địa lý, người trồng hi vọng loại trái cây này sẽ có giá bán cao trên thị trường, xuất khẩu ra thế giới, từ đây, nông dân ngừng chặt bỏ chôm chôm bản địa.


Thị xã Long Khánh là vùng trồng chôm chôm lớn nhất ở Đồng Nai với gần 3.000 ha, trong đó, riêng xã Bình Lộc có hơn 1.000 ha. Những năm qua, do chôm chôm Thái được giá nên nông dân ở Bình Lộc không ngừng chặt bỏ chôm chôm bản địa, chuyển sang trồng chôm chôm Thái. Đến nay, diện tích chôm chôm Thái trong xã đã lên tới gần 500 ha.

Nông dân thị xã Long Khánh đóng gói chôm chôm tại vườn để cung cấp ra thị trường. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc) cho biết, thị xã Long Khánh có các điều kiện tự nhiên đặc thù (địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng) phù hợp với cây chôm chôm. Chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn của Long Khánh có hương vị riêng, đặc trưng, từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước vì chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 loại chôm chôm này có giá thấp, như năm 2016, chôm chôm bản địa giá từ 8.000 - 12.000 đồng/kg, trong khi đó chôm chôm Thái giá khoảng 18.000 đồng/kg.


Chạy theo lợi nhuận trước mắt, nên sau mỗi mùa thu hoạch, diện tích chôm chôm bản địa ở Bình Lộc ngày một hao hụt. Năm 2016, chôm chôm tróc và chôm chôm nhãn của Long Khánh được cấp chỉ dẫn địa lý. Từ đây, tình trạng chặt bỏ loại cây trồng này đã không còn diễn ra.


Ông Nguyễn Văn Hòa (xã Bình Lộc) cho biết: “Chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc gắn bó với người dân Long Khánh bao đời nay. Gia đình tôi có gần 3 ha trồng loại cây này, nhiều lần tôi tính chuyển đổi sang trồng chôm chôm Thái, nhưng vì muốn giữ lại loại trái cây đặc sản, tiếc công bao nhiêu năm chăm sóc nên tôi chưa quyết. Giờ có chỉ dẫn địa lý, tôi quyết định sẽ giữ diện tích chôm chôm bản địa vì tin chôm chôm tróc, chôm chôm nhãn Long Khánh sẽ có giá bán cao hơn, mở rộng được thị trường.


Theo ông Phùng Thanh Lâm, cuối vụ thu hoạch chôm chôm 2016, tình trạng người dân ở Bình Lộc chặt bỏ chôm chôm bản địa đã chấm dứt. Để đáp ứng kỳ vọng của nông dân, Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Bình Lộc đang phối hợp với chính quyền để xây dựng cánh đồng lớn trên cây chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc. Liên hệ với các đối tác nhằm mở rộng thị trường, tương lai, hợp tác xã sẽ bán chôm chôm với số lượng lớn cho những đơn vị có nhu cầu.


Đồng Nai là địa phương có diện tích chôm chôm lớn nhất trong nước với hơn 11.100 ha. Hiện chôm chôm nhãn, chôm chôm tróc của Long Khánh đã được cấp chỉ dẫn địa lý. Để phát huy lợi thế này, ngành chức năng Đồng Nai sẽ tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, giới thiệu rộng rãi loại trái cây này tại thị trường trong và ngoài nước. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về vốn, kỹ thuật, phân bón để xây dựng cánh đồng lớn trên cây chôm chôm.

Công Phong (TTXVN)
Nông dân Đồng Nai "ồ ạt" trồng chôm chôm Thái
Nông dân Đồng Nai "ồ ạt" trồng chôm chôm Thái

Dù chôm chôm nhãn và chôm chôm tróc (chôm chôm bản địa) của tỉnh Đồng Nai đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhưng diện tích trồng 2 loại chôm chôm này đang ngày một “teo tóp”. Trong khi đó, chôm chôm Thái (nguồn gốc từ Thái Lan) lợi nhuận cao nên dân “chạy đua” tăng diện tích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN