Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những thành tích mà Sóc Trăng đã đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi cơ cấu, phát triển nông nghiệp, đặc biệt biểu dương nhóm nghiên cứu, lai tạo giống lúa ST25 mới được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. Ghi nhận thành tích này, Bộ trưởng đã tặng Bằng khen cho nhóm tác giả lai tạo giống lúa thơm ST25.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói: "Tỉnh có những nhà khoa học giỏi như anh Hồ Quang Cua nên rất đáng tự hào. Vì để đạt được giải gạo ngon nhất thế giới là không đơn giản. Các anh chị đã miệt mài nghiên cứu, tâm huyết cho ngành lúa gạo Việt Nam".
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh Sóc Trăng đã biến nguy cơ biến đổi khí hậu thành cơ hội, đạt những thành tựu rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng.
Theo Bộ trưởng, mô hình lúa - tôm Sóc Trăng đang triển khai là mô hình bền vững và hiệu quả nên cần tập trung xây dựng thương hiệu lúa thơm Sóc Trăng, sớm hoàn thiện lại đề án lúa đặc sản; trong đó, xác định vùng chuyên sản xuất hai giống lúa ST24 và ST25. Sóc Trăng cần coi mô hình tôm - lúa là sản phẩm chuyên biệt của địa phương, sớm xây dựng thương hiệu tôm, thương hiệu gạo (sản phẩm kép) từ mô hình tôm - lúa…
Lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng cũng đã có một số kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về một số vấn đề như: hỗ trợ tỉnh xây dựng tượng đài Anh hùng lao động Lương Định Của, nhà Nông học đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam; hỗ trợ về chủ trương thực hiện 2 dự án bố trí ổn định khu dân cư phòng tránh thiên tai ở Cù lao Dung và thị xã Vĩnh Châu; hỗ trợ và sớm công nhận đặc cách giống lúa ST25 là giống lúa quốc gia, hỗ trợ xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm đối với giống lúa này. Đồng thời, chỉ đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, sản xuất và bảo vệ giống lúa ST25…
Tại buổi làm việc, Đoàn đã được nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch, phương án triển khai sản xuất hàng hóa đối với giống lúa ST25, giống lúa mới được công nhận có gạo ngon nhất thế giới…
Theo báo cáo của tỉnh, thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Sóc Trăng đã tổ chức lại sản xuất trên các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, kết quả tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực.
Tỉnh đã chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả, chủ yếu trên diện tích sản xuất mía, do hiệu quả thấp, năm 2014 là 12.119 ha, đến vụ mía năm 2019 còn lại 7.309 ha, giảm 4.810 ha chuyển sang trồng lúa 230 ha, rau màu 1.800 ha, cây ăn trái 1.600 ha, trồng tràm 380 ha và nuôi thủy sản 800 ha.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh trong năm 2019 đạt 7,3%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết, trong đó, khu vực I tăng 4,8%; khu vực II tăng 10,82%; khu vực III tăng 8,14%. GRDP bình quân đầu người đạt 46/NQ 42 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế khu vực I - II - III tương ứng là 37,77% - 17,82% - 44,41% cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết. Đặc biệt, giá trị sản phẩm trồng trọt và thủy sản trên 1 ha đất canh tác năm 2019 đạt 175 triệu đồng, tăng 45 triệu đồng so với năm 2014.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2019 đã có 42 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới chiếm tỷ lệ 52,5% tổng số xã, vượt 10,53% chỉ tiêu Nghị quyết; có 26 xã đạt từ 15 tiêu chí trở lên, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết; 12 xã còn lại đạt từ 12 đến 14 tiêu chí. Tính bình quân trên toàn tỉnh, mỗi xã đạt 16,85 tiêu chí. Hiện tỉnh đang làm thủ tục đề nghị xem xét Huyện Mỹ Xuyên, thị xã Ngã Năm là 2 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.