Chuyển nhượng thu phí đường cao tốc

Thị trường chuyển nhượng hạ tầng giao thông giá trị lớn sẽ được hình thành khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện chủ trương bán quyền quản lý dự án các đường cao tốc, nhằm giảm đầu tư công, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, để lấy vốn đầu tư các dự án mới.

Tạo kênh thu hút vốn hạ tầng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT về tái cơ cấu nguồn vốn 5 dự án đường cao tốc đang phụ trách là: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (hoàn thành trong năm 2015), Đà Nẵng - Quảng Ngãi (hoàn thành trong năm 2017), Bến Lức - Long Thành (hoàn thành trong năm 2018), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang khẩn trương hoàn thiện đề án tái cơ cấu tổng thể, trong đó có phương án chuyển nhượng quyền thu phí các dự án cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ hoàn thành cuối năm 2015.
Ảnh: Huy Hùng - TTXVN



Theo lãnh đạo VEC, đơn vị đang xây dựng phương án cổ phần hóa song song với việc thành lập các công ty cổ phần và chuyển nhượng quyền thu phí để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Đây là chủ trương mới, chưa có tiền lệ, nhưng nếu thực hiện thành công sẽ giảm áp lực đầu tư công và giúp VEC sớm thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc khác đã được Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt. VEC đang thăm dò nhu cầu thị trường, tính toán các phương án hợp lý nhất để kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn phù hợp với các quy định của pháp luật và nhu cầu huy động vốn của VEC.

“VEC nên tính toán bán cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, cao tốc Nội Bài - Lào Cai để có vốn quay vòng tái đầu tư. Phải thay đổi tư duy về đầu tư hạ tầng, nếu chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu Chính phủ sẽ thất bại. Nếu thay đổi cách làm, mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000 km đường cao tốc hiện nay là hoàn toàn có thể”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

5 dự án đường cao tốc VEC phụ trách có tổng chiều dài 540 km, có tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia đầu tư trực tiếp hơn 71.550 tỷ đồng (chiếm 57%), VEC tự huy động gần 54.000 tỷ đồng (chiếm 43%) từ vốn phát hành trái phiếu công trình, vốn vay ngân hàng nước ngoài. Các tuyến đường cao tốc do VEC đã vận hành khai thác, thu phí hiện đều phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương có cao tốc đi qua; đảm bảo doanh thu ổn định để bảo trì, trả lãi và nợ gốc đúng theo cam kết với Chính phủ, Bộ GTVT.

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), nhà đầu tư dự án BOT đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng vừa ký hợp đồng nguyên tắc bán 70% cổ phần dự án cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Ấn Độ (IL&FS). Theo lãnh đạo VIDIFI, sau khi ký kết hợp đồng nguyên tắc, hai bên dự kiến sẽ thành lập một pháp nhân mới dưới hình thức công ty cổ phần để tiếp nhận dự án kèm theo các nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Ngoài cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, IL&FS cũng đang nghiên cứu, tìm hiểu để tiếp tục mua cao tốc Hải Phòng - Hạ Long khi hoàn thành.

Kiểm soát chất lượng và mức phí

Nhiều chuyên gia nhận định: Hạ tầng giao thông là sản phẩm dịch vụ công cộng, có thể đo đếm, định lượng được, nên sản phẩm này đang có sức hút lớn với nhà đầu tư, cũng như các tổ chức tín dụng. Thực tế, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Lĩnh vực này cần phải đa dạng hóa tối đa các nguồn lực tài chính hoặc huy động từ các nhà đầu tư để phát triển. Các nhà đầu tư sẽ phải tính toán kỹ lưỡng các khoản đầu tư vào từng hạng mục, xem sẽ được thu hồi vốn trong bao lâu và sinh lời thế nào...

Trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng: Hạ tầng giao thông là điểm đến an toàn của đồng vốn của nhiều ngân hàng hiện nay trong bối cảnh tín dụng đầu ra chật vật. Các ngân hàng cũng nhận thấy rõ, việc rót vốn vào hạ tầng sẽ tạo ra những nguồn thu trong tương lai, bởi hạ tầng phát triển sẽ lan tỏa, thúc đẩy nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phát triển. Đồng quan điểm này, Tổng giám đốc Tổng công ty công trình giao thông 4 Lê Ngọc Hoa cũng đánh giá cao phương án chuyển nhượng dự án hạ tầng sẽ giúp thu hồi vốn nhanh để các chủ đầu tư có nguồn vốn để phát triển dự án khác.

Tuy nhiên, với chủ trương bán hạ tầng giao thông, dư luận cũng có ý kiến cho rằng, việc này sẽ làm tăng gánh nặng phí cho người dân, các nhà đầu tư khi đó sẽ có quyền tăng mức thu phí để sớm hoàn vốn. Trao đổi về vấn đề này, Tổng Giám đốc VEC Mai Tuấn Anh khẳng định: Khi xây dựng phương án để chuyển nhượng, các chủ đầu tư và các cơ quan chức năng phải tính toán kỹ lưỡng nhiều phương án, không phải nhà đầu tư mua xong là muốn thu phí với giá nào cũng được. Quá trình này phải qua đàm phán công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.

Làm rõ thêm về việc quản lý, duy trì hoạt động của các dự án sau khi được chuyển nhượng, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cho biết, Bộ GTVT sẽ quy định cụ thể về trách nhiệm giữa bên mua và bên bán. Nhà đầu tư mua dự án sẽ chịu trách nhiệm duy trì chất lượng hạ tầng theo quy định của nhà nước.

Ông Sanh cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang tham gia vào lĩnh vực giao thông đến nay mới dừng lại ở vai trò nhà thầu xây dựng, chưa có doanh nghiệp nào đóng vai trò nhà đầu tư. Tuy nhiên, chủ trương chuyển nhượng hạ tầng giao thông đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Nhật, Mỹ, Pháp... quan tâm. Quan trọng là các dự án thuyết phục được nhà đầy tư ngoại bằng chính lợi ích của dự án.

Tiến Hiếu

Xúc tiến đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Xúc tiến đầu tư đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương

Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch đầu tư đã thống nhất đưa dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) – Liên Khương (Lâm Đồng) vào danh mục dự án trọng điểm quốc gia để xúc tiến kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN