Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp

Do tác động của hạn hán và xâm nhập mặn, việc yêu cầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đảm bảo được đầu ra đang là bài toán rất cấp thiết của nhà nông ở các tỉnh Nam Trung Bộ lúc này.

Ưu tiên giống chịu hạn tốt

Vụ đông xuân năm nay, theo kế hoạch toàn tỉnh Ninh Thuận sẽ chuyển đổi 1.387 ha cây trồng, trong đó 1.124 ha đất lúa chuyển qua trồng đậu xanh. Ngay từ đầu vụ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; Trung tâm Khuyến nông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích nông dân trồng cây ít sử dụng nước, tăng cường kiểm tra, không để người dân tự ý gieo cấy ngoài kế hoạch, không đúng kỹ thuật dẫn đến thiệt hại không đáng có.

Mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây rau màu chịu được hạn, rất nhiều hộ nhà nông ở huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) vẫn tăng được thu nhập trong mùa khô hạn.

Còn tại tỉnh Bình Thuận, để sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong sản xuất. Riêng vụ đông xuân 2015 - 2016 tỉnh đã có kế hoạch chuyển đổi gần 6.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây ngắn ngày, đạt 93% kế hoạch năm. Nhiều huyện của tỉnh Bình Thuận đã đạt tỷ lệ chuyển đổi cao như: Hàm Thuận Bắc tăng 313%, Hàm Tân tăng 131%, Bắc Bình tăng 130%...”Các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa đều cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao từ 1,5 - 2 lần so với cây lúa. Những nhóm cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nước ít, được ngành nông nghiệp khuyến khích, vận động bà con phát triển bao gồm nhóm rau - đậu, nhóm thức ăn chăn nuôi...", ông Mai Kiều, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết.

Tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, hàng năm sản lượng các nguồn thức ăn tự nhiên và phụ phẩm trồng trọt như rơm rạ, ngọn mía, cây bắp, cây họ đậu... chiếm khoảng 670 - 680 nghìn tấn, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu chăn nuôi. Đến năm 2020, khi đã quy hoạch xong khoảng 2.800 ha đất trồng cỏ với hình thức phân tán theo từng hộ nuôi, với sản lượng khoảng hơn 1,2 triệu tấn/năm sẽ đáp ứng tốt nhu cầu còn lại. Những loại gia súc như dê, cừu tỏ ra phù hợp với điều kiện khắc nghiệt, khô hạn cũng sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển và dự kiến mở rộng quy mô đàn từ 75.000 con hiện nay lên 100.000 con vào năm 2020. Riêng đàn dê sữa, hiện đạt khoảng 7.000 con, dự báo đến năm 2020 tăng lên 20.000 con, sản lượng sữa 300 lít/năm/con.

Thay đổi tập quán sản xuất

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc chuyển dịch cây trồng giảm bớt diện tích lúa nước đang là vấn đề cơ bản nhằm thay đổi tập quán sản xuất của bà con. Cần chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng những loại cây trồng khác như: cây đậu xanh, đậu phụng, bắp lai, dưa hấu, măng tây, cỏ và rau các loại... Đây là các loại cây trồng ngắn ngày, khả năng tiêu thụ nước ít hơn so với cây lúa và có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Riêng cây đậu xanh, đậu phụng còn có tác dụng cải tạo đất trồng nhờ có hệ vi sinh vật cố định đạm trong vùng rễ cây. Ngoài ra, có thể tận dụng các phụ phẩm như thân, cành lá để làm thức ăn cho gia súc, rất tốt trong điều kiện hạn hán, thiếu đồng cỏ chăn nuôi như hiện nay, hoặc dùng ủ phân hữu cơ vi sinh để bón cho vụ sau.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước tình hình hạn hán trên địa bàn diễn ra khá gay gắt, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện việc quy hoạch đồng cỏ gắn với chăn nuôi gia súc tập trung, mục tiêu đến năm 2020 nghề chăn nuôi của tỉnh sẽ phát triển một cách bền vững. Hiện tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất cỏ với quy mô hơn 300 ha, gắn liền với vùng chăn nuôi gia súc có sừng, với sản lượng cỏ hàng năm đạt khoảng 56.700 tấn.

"Chăn nuôi gia súc có sừng sẽ được tập trung phát triển gắn liền với đồng cỏ, chiếm khoảng 60 - 70% tổng đàn gia súc có sừng bao gồm 3 con cừu, dê, bò và chủ yếu tập trung ở 6 huyện có thế mạnh phát triển chăn nuôi gia súc có sừng của tỉnh. Chúng tôi xác định để phát triển chăn nuôi thì trồng cỏ là biện pháp hàng đầu đảm bảo đàn gia súc có được sức khỏe tốt, chịu đựng được thời tiết khô hạn", ông Hoàng nói thêm.

Ông Ma Văn Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, Cục đang tổng hợp báo cáo, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ các địa phương kinh phí chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Riêng Trung tâm Khuyến nông quốc gia, hiện đã phát triển những dự án sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khô hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ như: mô hình chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa, mô hình thâm canh cây thanh long bền vững... Những giống lúa, màu... có khả năng chịu hạn tốt đã được Trung tâm nghiên cứu, thời gian tới sẽ giới thiệu rộng rãi cho bà con áp dụng vào sản xuất. Với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ cần phải nhanh chóng chuyển dịch mùa vụ gieo trồng để tránh thiệt hại. Riêng những vùng có nước tưới, nên tập trung đầu tư thâm canh những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như: ngô lai, lạc, rau đậu...", ông Trung gợi ý.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào trong xã, Đảng ủy xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng diện tích đất canh tác, qua đó góp phần tăng thu nhập cho bà con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN