Tuy nhiên, việc chuyển đổi này hoàn toàn không phải là điều dễ dàng và tuỳ thuộc vào quyết tâm của địa phương và người dân.
Trồng màu ở chân ruộng
Tính đến cuối tháng 3, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được trên 30.000 ha màu và cây công nghiệp, bằng gần 50% diện tích kế hoạch cả năm 2016. Trong đó, diện tích các loại rau màu thực phẩm và màu lương thực khoảng 22.000 ha. Đáng chú ý, trong thời điểm hạn, mặn đang diễn ra khốc liệt ở nhiều địa phương thì nhiều hộ dân ở huyện Thạnh Trị, Ngã Năm, Mỹ Tú đã mạnh dạn đưa cây màu có khả năng chịu hạn khá cao xuống chân ruộng như bắp, dưa hấu, bầu, bí, đậu... Việc chuyển đổi này đã cho hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Thu hoạch vừa xong vụ lúa đông xuân, anh Võ Văn Hiệp ở khóm Vĩnh Mỹ, phường 3, thị xã Ngã Năm làm đất 2 công ruộng để trồng bắp và dưa leo mà không xuống giống lúa vụ hè thu sớm như mọi năm. Theo anh Hiệp, trước tình hình diễn biến thời tiết gay gắt, nắng hạn kéo dài và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp như hiện nay thì các loại cây trồng ngắn ngày như bắp, ớt chỉ thiên và các loại rau củ... đưa xuống chân ruộng thay lúa là rất phù hợp. Bởi các loại cây trồng này không đòi hỏi lượng nước nhiều, thích ứng khô hạn và đặc biệt là lợi nhuận cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa. Hơn nữa, trồng luân canh cây màu trên đất lúa vừa cải tạo đất vừa hạn chế sâu bệnh trong sản xuất lúa ở vụ tới.
Trong khi đó, tại huyện Mỹ Tú, nông dân trồng tập trung chủ yếu là dưa hấu, bầu, bí, hành, hẹ... Riêng diện tích dưa hấu chiếm tới cả trăm ha và đang thời kỳ bắt đầu thu hoạch. Chị Đào Thị Mỹ Hồng ở ấp Bưng Cóc, xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) vừa thu hoạch xong 2 công dưa hấu, cho biết dưa hấu dễ trồng, ít tốn nước tưới và năm nay trúng mùa, trúng giá. “Năm rồi một ký có 2.800 đồng, năm nay được 4.200 đồng/kg, tính ra sau khi thu hoạch, trừ chi phí còn lãi trên chục triệu đồng/công trong khi trồng lúa nếu trúng cũng chỉ lãi chừng 2 triệu đồng/công là nhiều”, chị Hồng cho biết.
Nông dân xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng chăm sóc cánh đồng màu. |
Theo ông Dương Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú), xã đã vận động và khuyến khích nông dân trồng 2 vụ lúa, một vụ màu. Theo đó, vào mùa khô cần đưa cây màu xuống chân ruộng thay vì làm lúa vụ 3 dễ bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Thực tế năm nay cho thấy, nông dân đã đưa màu xuống chân ruộng với hơn 400 ha và hiệu quả đã thấy được khi cao hơn hẳn trồng lúa từ 2 - 3 lần.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết trước tình hình hạn mặn ảnh hưởng nặng như hiện nay, Sóc Trăng đang nghiên cứu và có kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho bà con bằng cách khuyến cáo nông dân đưa cây màu xuống chân ruộng; chọn loại cây, con phù hợp với vùng, địa bàn mình để trồng và nuôi. “Tỉnh đang nghiên cứu đến việc đưa thêm hai loại cây trồng mới để ưu tiên phát triển bên cạnh các loại cây trồng trước đây. Đó là cây cỏ và cây bắp vì 2 loại cây này đều cung cấp thức ăn cho trâu, bò, nhất là đàn bò thịt, bò sữa ở Sóc Trăng đang phát triển mạnh và thức ăn trong mùa khô hạn là rất cần thiết. Riêng cây bắp vừa cung cấp hạt lương thực cho người và gia súc, thân cây cũng là nguồn thức ăn cho gia súc tốt”, ông Quyết nói.
Khó giải quyết đầu ra
Với 3 ha diện tích trồng lúa đông xuân vừa qua, hơn một nửa diện tích lúa của gia đình ông Phùng Văn Nhịn, ở ấp 2, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đã bị thiệt hại do xâm nhập mặn. Không có nước ngọt nên việc chuyển đổi sang trồng các loại rau màu cũng không khả thi. “Gần ruộng lúa của gia đình tôi có một số hộ dân chuyển sang trồng cây bầu, mướp, sả... Tuy nhiên, do không có nước tưới nên chỉ có thể cầm cự đến giữa tháng 3. Gia đình tôi đã trồng thử nghiệm cây sả trên diện tích hơn 1.000 m2 nhưng cũng bị chết cháy hết”, ông Nhịn cho biết.
Còn chị Đặng Thị Thùy Hương, ấp 3, xã Tân Phước cũng cho rằng, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang các loại rau màu khác không phải là điều dễ dàng do chân đất đã ngập phèn. Một số hộ dân đã thử trồng dưa hấu, bắp nhưng năng suất khá thấp. Không những thế, cũng trên cánh đồng đó, hàng chục ha diện tích trồng ớt đang bị “bỏ phế” do không có đầu ra ổn định và giá quá rẻ. “Giá ớt trên thị trường hiện nay chỉ có khoảng 7.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi chi phí để thuê một công lao động đã là 100.000 đồng/người/ngày. Chỉ tính đến chi phí thu hoạch thì người nông dân cũng đã bị thua lỗ mất 3.000 đồng/kg. Tính toán kiểu gì cũng lỗ, cực chẳng đã chúng tôi mới phải bỏ hoang thế này”, chị Hương cho biết.
Theo tính toán của nhiều hộ sản xuất, việc sản xuất rau màu lời hơn so với trồng lúa. Nếu trồng lúa chỉ mang lại lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công đất, thì cây rau màu có thể mang lại lợi nhuận 5 - 6 triệu đồng/công. Tuy nhiên, việc sản xuất rau màu vẫn ít được nông dân quan tâm do đầu ra không ổn định.
Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên trong những năm gần đây. Địa phương đã có chủ trương vận động người dân giảm bớt một vụ lúa để chuyển sang các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, việc chuyển vụ hiện còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mức vận động người dân, bởi vướng đầu ra cho sản phẩm khi chuyển đổi. “Vẫn chưa có doanh nghiệp nào chịu đầu tư vào lĩnh vực này nên chúng tôi chưa xác định được nên chuyển loại cây, con gì để khuyến cáo cho bà con. Bên cạnh đó, việc sản xuất các loại cây họ đậu, bắp phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không hấp dẫn người dân, doanh nghiệp do giá thành cao hơn so với giá nhập khẩu”, ông Bá lý giải.
Thời gian qua, không chỉ tại tỉnh Sóc Trăng, ngành nông nghiệp ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang đồng loạt khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo tổng hợp sơ bộ của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), trong vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn vùng đã chuyển đổi đất lúa sang cây màu là 8.285 ha, tăng 2.282 ha so với vụ đông xuân 2014 – 2015, chủ yếu tập trung vào cây bắp, cây vừng, lạc và rau đậu các loại. |
Bài 2: Tháo “nút thắt” cho công cuộc chuyển đổi