Chứng khoán Trung Quốc lại bấn loạn, giảm điểm kỉ lục

Chứng khoán Trung Quốc đã có mức giảm sâu nhất kể từ năm 2007, khi mà các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã thất bại, không trấn an được các nhà đầu tư về kịch bản nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang “ổn định”.

Chốt phiên giao dịch ngày hôm nay (24/8), chỉ số Shanghai Composite giảm 8,5%, xuống còn 3.209 điểm. Chỉ số Hang Seng dành cho các công ty Trung Quốc niêm yết tại thị trường Hongkong giảm 6,5%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2011. Chỉ số tương lai của các cổ phiếu lớn nhất thuộc rổ CSI cũng giảm tới 10%.

Những thông số kinh tế xấu cùng với dấu hiệu dòng vốn rút khỏi đại lục đang làm hủy hoại những nỗ lực “chưa từng có” của chính phủ nhằm tạo ổn định trên thị trường chứng khoán có mức vốn hóa tới 6.000 tỉ USD này. Cuối tuần qua, chính quyền Trung Quốc cho biết lần đầu tiên cho phép các quỹ hưu trí được đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, việc cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc mà giới đầu tư ngóng đợi đã không thành hiện thực.

Chứng khoán Trung Quốc vẫn chưa qua cơn "bĩ cực". Ảnh: WSJ


“Đây là một thảm họa thực sự và dường như chẳng có gì cản được. Nếu không tự cắt giảm tài sản nắm giữ, quỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Nhiều quỹ đầu tư tư nhân mới thành lập đã thấm đòn. Hy vọng là chúng tôi sẽ sống sót”, Chen Gang, nhà đầu tư trưởng tại Quỹ quản lý Tài sản Heqitongyi có trụ sở ở Thượng Hải nhận định.

Trên sàn Thượng Hải, hơn 800 cổ phiếu đã có phiên giảm sàn biên độ 10%, trong số này có cổ phiếu của công ty China Shenhua Energy và China Shipbuilding Industry. Kể từ mức đỉnh đạt được hôm 12/6, chỉ số Shanghai Composite đã giảm tới 38%, kèm theo đó là 4.000 tỉ USD vốn hóa thị trường đã bị bốc hơi khỏi thị trường.

Đà giảm giá sâu cũng bao trùm các thị trường tài chính châu Á. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản sụt hơn 4%, xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2012. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật mất 3,2%, trong khi thị trường Australia giảm 3,4%, chạm đáy 1 năm rưỡi. Tại thị trường Hồng Kông, chỉ số Hang Seng sụt gần 4,7%. Chỉ số Taiex của chứng khoán Đài Loan mất 7,5%, mạnh nhất trong 25 năm.

Lo ngại bất ổn

Hãng tin Bloomberg chuyên theo dõi tăng trưởng GDP tháng của Trung Quốc cho biết, kinh tế nước này đi xuống trong tháng 7, với GDP ở mức 6,6%. Một loạt những chỉ số kinh tế lớn liên quan đến Trung Quốc ở tháng 8 cũng được dự báo còn tồi tệ hơn, khi mà chỉ số nhà sản xuất (PMI) đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. “Kinh tế Trung Quốc xấu đi và nhiều lĩnh vực đã xuất hiện bong bóng. Áp lực bán trên thị trường toàn cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite có thể rơi xuống ngưỡng 3.000 điểm”, Wu Kan, Giám đốc Quản lý quỹ bảo hiểm JK Life tại Thượng Hải bình luận.

Cùng với đó, bước điều chỉnh tỉ giá lớn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thực hiện gần đây làm tăng nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi đại lục. Các quỹ tài sản là những tác nhân lớn nhất làm 4.000 tỉ USD đươc rút khỏi châu Á không bao gồm Nhật Bản trong tuần từ 12-19/8, tổ chức EPFR Global cho biết. Lượng tiền giao dịch ký quỹ liên quan đến sử dụng đòn bẩy tài chính cũng giảm 4 phiên liên tiếp tính đến hôm thứ 6 tuần trước.

Hôm 23/8, Quốc Vụ viện Trung Quốc ra tuyên bố cho phép các quỹ hưu trí được sử dụng tối đa 30% tổng tài sản đầu tư vào cổ phiếu. Tính đến cuối năm 2014, các quỹ này có tổng tài sản ước đạt 547 tỉ USD. Đây được xem là một cố gắng mới nhất của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ thị trường sau một loạt các giải pháp như tung gói cứu trợ 400 tỉ USD, cấm các cổ đông lớn bán cổ phần… Tuy nhiên, động thái này không làm hài lòng giới đầu tư khi mà họ mong đợi cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc và những giải pháp lớn hơn.

Hoài Thanh (Theo Bloomberg)
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh
Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh

Chỉ trong nửa ngày 24/8, sàn chứng khoán Thượng Hải đã chứng kiến chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN