Chứng khoán châu Á: Kỳ vọng thấp, định giá hấp dẫn

Chứng khoán châu Á (không bao gồm Nhật Bản) đang định giá dựa trên kỳ vọng thấp và kém hấp dẫn nhà đầu tư, trong khi đây vốn đã là một loại tài sản có mức thu nhập lẫn định giá dưới kỳ vọng đáng kể trong suốt thập kỷ qua.

Chú thích ảnh
Chứng khoán châu Á đang định giá dựa trên kỳ vọng thấp và kém hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh tư liệu: Yonhap/TTXVN

Chu kỳ lãi suất tăng, sự trì hoãn mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 so với phương Tây và các bảng cân đối kế toán giàu tiền mặt cho thấy các thị trường chứng khoán châu Á có cách thức hiệu quả để rời khỏi tình trạng hoạt động kém hiệu quả này. Quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra cùng xu hướng khử carbon từ các hoạt động kinh tế mang lại khả năng tăng trưởng rõ ràng trong trung hạn. Với mức định giá thấp hiện tại, đã đến lúc thị trường xem xét lại các cân nhắc đầu tư đối với chứng khoán châu Á.

Ông Sundeep Bihani, Giám đốc Danh mục Đầu tư thuộc Hãng Eastspring Investments (Singapore), đã thảo luận về việc định giá sai trong chứng khoán châu Á, những động lực đáng tin cậy đằng sau tăng trưởng thu nhập ở khu vực, sự đa dạng hóa và gia tăng giá trị trong các chỉ số ở châu lục này.

Theo chuyên gia của Eastspring, sự quan tâm của các nhà đầu tư toàn cầu đối với chứng khoán châu Á hiện đã giảm đáng kể. Chính sự thờ ơ của thị trường đã dẫn đến kỳ vọng thấp và ít lệnh mua vào ở nhiều sàn chứng khoán châu Á. Mặc dù các nhận định và đánh giá đầu tư liên quan đến triển vọng tăng trưởng thu nhập của tầng lớp trung lưu, sự đổi mới - sáng tạo và năng lực xuất khẩu của châu Á không thay đổi so với thập kỷ trước, nhưng kỳ vọng và điểm xuất phát để định giá cổ phiếu lại khác nhau.

Với tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá ghi sổ sách (P/B) hiện tại là 1,5 lần, chứng khoán châu Á đang giao dịch với mức chiết khấu 65% so với chỉ số MSCI US tại Mỹ, cao hơn nhiều mức 30% ghi nhận vào năm 2012. Môi trường này đang hướng nhà đầu tư tới một danh sách các doanh nghiệp hoạt động tốt với mức định giá rẻ.

Một chủ đề chính trong những năm gần đây là đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, chủ yếu là sang phần còn lại của châu Á. Nhiều công ty châu Á - từ nhà sản xuất pin đến chất bán dẫn - cũng đang dẫn đầu việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng này. Quan điểm này bổ sung thêm tiềm năng tăng trưởng thu nhập cho châu Á trong trung hạn.
 
Hãng Eastspring Investments nhận định có những thay đổi chiến lược đang diễn ra xung quanh quá trình trung hòa carbon, đa dạng chuỗi cung ứng và chi phí kinh doanh cao hơn. Công ty cũng tin rằng chu kỳ kinh tế đến từ những thay đổi chiến lược này sẽ hỗ trợ mức tăng trưởng giá trị ấn tượng ở châu Á.

Nhìn chung, chu kỳ lãi suất tăng, sự trì hoãn mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 so với phương Tây, sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng đang diễn ra, cũng như các khoản đầu tư vào trung hòa carbon đang mang lại cơ hội tăng trưởng trung hạn để khắc phục tình trạng hoạt động kém hiệu quả tại thị trường châu Á trong thập kỷ qua. Hiện tại, Eastspring Investments khẳng định cần đánh giá lại các yếu tố địa lý và đặc trưng của châu Á trong những năm qua cũng như sự thờ ơ của nhà đầu tư đối với khu vực. 

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp kỷ lục
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp kỷ lục

Các thị trường chứng khoán châu Á giảm xuống mức thấp kỷ lục hai năm trong phiên 12/10, khi không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ ngay lập tức nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch COVID-19, trong khi đà phục hồi liên tục của đồng USD và những biến động của thị trường trái phiếu Anh cùng với đồng bảng đã gây sức ép lên lòng tin của nhà đầu tư trên toàn cầu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN