Chưa thể lơ là với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 tăng 0,16% so với tháng 2/2012 nên CPI quý I năm nay chỉ tăng 2,55%, mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là tín hiệu khả quan cho thấy, lạm phát đang được kiểm soát một cách chặt chẽ.


Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Hapromart ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Tuy nhiên có ý kiến cho rằng: Chúng ta vẫn không thể chủ quan, lơ là nhiệm vụ kiềm chế lạm phát vì CPI tháng 3 vẫn chưa phản ánh hết tác động của việc tăng giá xăng. Việc tăng giá xăng, dầu (ngày 7/3) mới chỉ tác động đến 1 tuần cuối trong kỳ tính CPI tháng 3. Do vậy, CPI tháng 4/2012 mới phản ánh một cách đầy đủ, rõ nét những tác động này.

Đại diện Tổng cục Thống kê lý giải, nguyên nhân của việc CPI tháng 3/2012 tăng thấp là: Nhóm lương thực và thực phẩm (nhóm chiếm tỷ trọng cao) giảm khá sâu (giảm lần lượt 1,21- 1,25%) do nguồn cung dồi dào, giá thịt lợn giảm trước thông tin về việc lạm dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn; ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu chưa mạnh; sức mua hàng hóa yếu nên các mặt hàng khác khó điều chỉnh tăng mặc dù chi phí đầu vào tăng…

Theo các chuyên gia thương mại, trong 3 tháng đầu năm, sức mua trên thị trường không cao do sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của người dân. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội trong 3 tháng đầu năm chỉ còn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng thấp so với mức tăng trên 10% trong vài năm trở lại đây (trừ năm 2009)…

Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cũng dự báo, trong tháng tới giá nhiều loại hàng hóa sẽ được điều chỉnh tăng do tác động tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tới chi phí sản xuất, vận tải và giá bán hàng hóa.

Bên cạnh đó, thị trường còn chịu tác động của tỷ giá USD/VND đang tăng từ cuối tháng 3/2012; nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tăng vào cuối tháng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; tăng lương cơ bản từ ngày 1/5, tăng giá các dịch vụ y tế, điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường như: điện, xăng dầu…

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Ngô Văn Hải - Phó Giám đốc kinh doanh Siêu thị Citimart cho biết: Nhiều nhà cung cấp ở các ngành hàng đã đề xuất việc tăng giá từ ngày 1/4 và ngày 15/4 do giá nhiều hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng gây ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu; chi phí đầu vào tăng, mặt bằng lãi suất còn cao… đã tác động đến giá thành hầu hết các mặt hàng trên thị trường

Ông Hải cho hay: Với những mặt hàng chiến lược của siêu thị, Citimart sẽ đặc biệt quan tâm để thương lượng hoặc nhập hàng số lượng lớn với mức giá ổn định nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trước áp lực của việc tăng giá mới. Đại diện Big C cũng cho biết: Đối với bất cứ đề nghị thay đổi nào, siêu thị cũng phải đàm phán rất kỹ với nhà cung cấp. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá sẽ không diễn ra đồng loạt ở tất cả các ngành hàng để tránh gây sốc cho người tiêu dùng. Để giảm bớt áp lực tăng giá, các siêu thị cũng đang nghiên cứu triển khai chương trình khuyến mại áp dụng cho dịp lễ 30/4, 1/5 nhằm kích cầu tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cũng chưa thể chủ quan, lơ là với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát bởi ngoài các yếu tố trong nước tiềm ẩn nguy cơ tăng giá nêu trên, diễn biến giá cả một số hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, có khả năng tiếp tục tăng hoặc ở mức cao…Vì vậy, cần tiếp tục kiên trì và nhất quán với mục tiêu kiềm chế lạm phát bằng việc triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, từ chính sách tiền tệ, tài khóa đến tăng cường công tác quản lý giá cả, tái cơ cấu nền kinh tế...

Minh Phương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN