Phát triển kinh tế đồng bằng sông cửu long bền vững-Bài 1:

Chưa khai thác hiệu quả 'mỏ vàng' ĐBSCL

Với diện tích khoảng 40.000 km2 bao gồm 13 tỉnh thành, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là khu vực kinh tế quan trọng của cả nước. Việc tập trung xây dựng nơi đây thành vùng phát triển năng động về kinh tế, văn hóa, xã hội để tiến kịp mặt bằng chung của cả nước đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu.


Theo ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi; nguồn lao động trẻ, dồi dào và giàu tiềm năng về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… nhưng khu vực ĐBSCL vẫn phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh thấp, yếu tố rủi ro còn cao, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn…

 

“Mỏ vàng” lợi thế


Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, ĐBSCL có nhiều điều kiện tối ưu để phát triển mạnh về nông nghiệp. Theo số liệu khảo sát của ngành chức năng, dù tổng diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 1/3 của cả nước, nhưng vùng đã sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Riêng ngành thủy sản nhờ có tốc độ phát triển mạnh đã giúp các tỉnh ĐBSCL trở thành vùng nuôi, đánh bắt lớn nhất nước.


“Cơ cấu sản xuất trong ngành thủy sản đã chuyển biến theo hướng tăng tỉ trọng nuôi trồng so với đánh bắt đạt sản lượng hơn 2 triệu tấn, tăng gần 5 lần so với thời điểm năm 2011, trong đó xuất khẩu cá tra, tôm trở thành những ngành kinh tế chiến lược của quốc gia”, ông Sương cho hay.


 

ĐBSCL cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu nhưng cuộc sống nhà nông vẫn còn lắm khó khăn.

 

Khu vực ĐBSCL cũng cung cấp tới hơn 70% sản lượng trái cây của cả nước. Trong đó, Tiền Giang được xem là thủ phủ trái cây của khu vực ĐBSCL, với gần 68.000 ha cây ăn quả, dẫn đầu các địa phương trong toàn quốc và các mô hình trồng cây ăn quả ở tỉnh đã được nâng lên theo hướng chuyên canh, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Hiện diện tích cây ăn quả của Tiền Giang chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn quả cả nước, cho sản lượng gần 900 nghìn tấn quả/năm, đạt giá trị hơn 2.500 tỷ đồng.


Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch ĐBSCL được tổ chức mới đây tại tỉnh Tiền Giang, các đại biểu cho rằng, ĐBSCL có tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn. Ngoài lợi thế về nông nghiệp, nhờ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc và thiên nhiên ưu đãi… ĐBSCL được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch đặc trưng mang lại giá trị lợi nhuận cao. “Thực tế, ở nhiều tỉnh thành như Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang… du lịch phát triển đã giúp cho các địa phương có một nguồn thu không nhỏ. Nhiều tỉnh khác như Cà Mau, Bến Tre… cũng đang quy hoạch du lịch, thu hút du khách tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương” - ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết.

 

Phát triển chưa xứng tầm


Được đánh giá là khu vực kinh tế trọng điểm và có một vị thế quan trọng của cả nước, tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại là trình độ dân trí, thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh ĐBSCL bị xếp vào mức thấp so với cả nước. Theo ông Đoàn Duy Khương, các tỉnh ĐBSCL cần có các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư để biến tiềm năng thành động lực phát triển. “Dù đạt kết quả khích lệ nhưng thẳng thắn mà nói công tác xúc tiến đầu tư của khu vực ĐBSCL vẫn còn manh mún và thiếu chuyên nghiệp, thiếu định hướng, chiến lược chung nhằm phát huy tối đa lợi thế tự nhiên của vùng”, ông Khương nói thêm.


Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu của TS Đặng Kim Sơn, Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn, hiện nhà nông vẫn chưa có cuộc sống khấm khá khi phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, thị trường bấp bênh và giá bán thấp. Tại An Giang, chỉ tính niên vụ 2009 - 2010, lợi nhuận bình quân của nông dân trồng lúa chỉ khoảng hơn 316.000 đồng/người/tháng, trong khi ngưỡng nghèo theo quy định đã có thu nhập 400.000 đồng/người/tháng. Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, người dân luôn phải gánh chịu nhiều rủi ro như: biến động về giá, bị chậm hoặc không thanh toán tiền từ phía người mua, dịch bệnh… Sản xuất rau quả hiệu quả cũng chưa cao do chưa phát triển được vùng chuyên canh; chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên trường quốc tế.



Bài và ảnh: Lê Nghĩa

 

Bài 2: Loay hoay bài toán tăng trưởng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN