Chủ tịch xã sẽ tham gia quản lý vốn ưu đãi

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cấp huyện.

NHCSXH giải ngân tại điểm giao dịch xã Chà Tở, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Trần Việt-TTXVN


Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định cụ thể theo thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHCSXH phối hợp với UBND các cấp trong việc lựa chọn thời điểm thực hiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, NHCSXH đã thực hiện thí điểm Chủ tịch xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện từ năm 2013 - 2014 tại 3 tỉnh: Bắc Giang, Thanh Hóa và Long An. Theo báo cáo, kết quả nổi bật của việc thực hiện thí điểm Chủ tịch xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện là nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách.

Cụ thể, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND xã, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với NHCSXH được chặt chẽ hơn. Chủ tịch UBND cấp xã đã chỉ đạo quyết liệt Ban giảm nghèo, Trưởng thôn và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, quản lý tốt hơn nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn. Từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn giảm, những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu kém đã kịp thời được củng cố; các chủ trương, chính sách mới được triển khai kịp thời đến đối tượng thụ hưởng.
Việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT đã nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, đạt hiệu quả cao hơn trong việc triển khai và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Thông qua công tác triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát, Chủ tịch UBND cấp xã kịp thời nắm bắt được tình hình quản lý vốn vay và những đề xuất, kiến nghị tại cơ sở để xử lý kịp thời.

Tại 3 tỉnh thí điểm, từ khi Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tín dụng chính sách được đưa vào hoạt động định kỳ của xã, gắn nguồn vốn tín dụng chính sách với kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, kế hoạch giảm nghèo và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mô hình quản lý đặc thù của NHCSXH đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Ban đại diện HĐQT ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện có sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể. Một số khâu trong quản lý vốn vay ủy thác qua 4 tổ chức hội là Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên đã giảm được chi phí quản lý, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các hội. Nhờ đó mà chất lượng tín dụng chính sách cao hơn tín dụng thương mại, nợ quá hạn trong toàn hệ thống NHCSXH chỉ ở mức 0,41%.

Bên cạnh đó, Chủ tịch xã đã chỉ đạo Ban giảm nghèo xã thực hiện nghiêm túc việc rà soát, xác nhận đúng đối tượng được thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách; tổ chức phân bổ vốn đến các thôn, bản, ấp...; chỉ đạo Trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác họp bình xét cho vay công khai, dân chủ hơn, qua đó chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời và đến đúng đối tượng được thụ hưởng; đồng thời chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn chặt chẽ hơn.


Trước đây, việc đôn đốc thu hồi nợ quá hạn có nơi gặp nhiều khó khăn do hộ vay thiếu ý thức trả nợ, hộ vay bỏ đi khỏi địa phương. Khi Chủ tịch UBND xã là thành viên Ban đại diện HĐQT huyện đã trực tiếp chỉ đạo Tổ đôn đốc, thu hồi nợ khó đòi cương quyết xử lý bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, động viên, mời lên trụ sở UBND xã làm việc và yêu cầu hộ vay cam kết trả nợ vay... Với các trường hợp bỏ đi khỏi địa phương, chính quyền đã liên hệ với người nhà tìm địa chỉ, vận động hộ vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ. Vì vậy, kết quả thu nợ, đặc biệt là thu hồi nợ quá hạn... cao hơn nhiều so với trước.

Ngoài ra, tại xã cũng đã gắn các phong trào làm kinh tế của hộ gia đình với việc phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn, ấp, xã văn hóa... từng bước làm thay đổi bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở vững chắc.


PV

Đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo Vĩnh Long
Đưa vốn ưu đãi đến với hộ nghèo Vĩnh Long

Năm 2014, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Vĩnh Long là 1.245,8 tỷ đồng, kế hoạch tăng trưởng dư nợ 9% so với năm 2013.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN