Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam: Lập sàn giao dịch vàng là cần thiết

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Nho Bảng (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam về vấn đề này.

Ông nhận định thế nào về thông tin Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh vàng miếng trong thời gian tới?

Chủ trương của Chính phủ về quản lý vàng miếng là đúng đắn. Trước đây Chính phủ đã đóng cửa sàn vàng và đóng tài khoản vàng ở nước ngoài. Đó là những giải pháp tình thế nhưng cần thiết để ổn định thị trường vàng. Hiện nay, thị trường vàng Việt Nam đã gắn liền với thị trường vàng quốc tế, do đó các cơ quan chức năng đang soạn thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Bởi cho đến nay, thị trường vàng đang được điều hành theo Nghị định 174 được ban hành từ năm 1999. Sau gần 12 năm, thị trường vàng đã thay đổi rất nhiều trong khi hành lang pháp lý không hề thay đổi. Do vậy cần có những thay đổi về mặt pháp lý cho phù hợp.

Tôi mong rằng, những quy định mới sẽ hạn chế được việc quản lý theo các giải pháp tình thế, từ đó tạo sự ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho việc lưu thông vàng một cách hợp pháp, đúng với đường hướng của Chính phủ và mong muốn của người dân.

Việc quản lý kinh doanh vàng miếng là cần thiết, nhưng theo ông, lộ trình như thế nào là phù hợp trong điều kiện hiện nay?

Việc cấm lưu thông vàng miếng hiện mới dừng ở thông tin định hướng chứ chưa có một văn bản chính thức nào. Còn khi có quyết định chính thức cho việc này, đương nhiên sẽ phải có một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ với các cơ chế chính sách khác làm cho lòng tin của người dân đối với thị trường, chính sách ổn định và không tạo nên cú sốc.

Tôi nghĩ rằng, chắc chắn khi ban hành quyết định chính thức về việc xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do, Chính phủ cũng sẽ phải cân nhắc một cách toàn diện, đảm bảo lợi ích chính đáng hợp pháp của người dân. Bởi vàng miếng qua nhiều thế hệ, là tài sản hợp pháp của người dân. Hiện nay, trong bối cảnh lạm phát cao, kéo dài, vàng và các kênh đầu tư khác được nhiều người dân quan tâm. Việc đầu tư vào vàng cũng không trái với xu hướng và thông lệ quốc tế, vì theo tính toán hàng năm, USD thường mất giá 25-28% so với vàng.

Ngay cả các ngân hàng trung ương ở nhiều nước thời gian gần đây cũng đã tăng dự trữ về vàng như Trung Quốc, Ấn Độ... Tôi hy vọng, khi Chính phủ ban hành một chính sách cụ thể, sẽ hài hòa lợi ích quốc gia và đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân.

Có ý kiến cho rằng nên lập sàn giao dịch vàng tập trung như một đầu mối để quản lý, giao dịch chính thức cho thị trường này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Lập sàn vàng là yêu cầu bức thiết của thị trường. Trước đây, cả nước có đến 20 sàn vàng cùng hoạt động, nhưng sau ba năm các cơ quan chức năng không ban hành được một hành lang pháp lý cho hoạt động của sàn vàng nên Chính phủ đã đóng cửa sàn vàng. Ở thời điểm đó, quyết định đóng cửa sàn vàng là giải pháp tình thế cần thiết.

Nhưng sàn giao dịch vàng sẽ giúp người dân hạn chế, kiểm soát được các rủi ro. Sàn giao dịch cũng minh bạch trách nhiệm của nhà tổ chức cũng như nhà đầu tư. Do đó, tôi cho rằng, lập sàn giao dịch vàng là cần thiết. Về mặt quản lý nhà nước cũng rất có lợi bởi thông qua giao dịch vàng tài khoản, Nhà nước có thể giám sát và quản lý được lượng vốn tham gia đầu tư vào vàng cũng như thu được thuế thu nhập. Người dân cũng được giao dịch một cách minh bạch và rõ ràng. Lợi ích của người dân được bảo đảm bởi có hành lang pháp lý, có nhà tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tôi nghĩ rằng, nên tổ chức sàn giao dịch nhưng phải có lộ trình hợp lý để chúng ta có những bước đi chắc chắn, loại trừ những rủi ro và phù hợp với mô hình kinh tế của Việt Nam và các cơ chế đầu tư khác, không làm méo mó thị trường vàng, làm bất ổn trong dư luận.

Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN