Chủ động ứng phó với tác động tiêu cực về kinh tế xã hội

Trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều 1/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã khẳng định: Từ nay đến cuối năm, Chính phủ không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sẽ chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế xã hội.

 

Không lùi đích tăng trưởng GDP 5,8%


Về tình hình 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đánh giá, dù phải đối mặt với khó khăn chung của thế giới và trong nước và đặc biệt là việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng nền kinh tế nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt hơn trên hầu hết các lĩnh vực.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Tăng trưởng GDP ổn định qua các quý và 6 tháng tăng 5,18%, cao hơn mức 4,9% của cùng kỳ năm 2013. Công nghiệp tăng đều hàng tháng, mỗi tháng nhích 0,2% cho thấy trong điều kiện khó khăn nhưng chúng ta đã có biện pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp. Các chỉ số vĩ mô tiếp tục ổn định, kể cả tiền tệ và cán cân thanh toán khác. Xuất nhập khẩu và thu chi ngân sách tăng cao so với mục tiêu. Nông nghiệp và dịch vụ cũng tăng trưởng. “Những chỉ số kinh tế trên cho thấy dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế tiếp tục phục hồi. Trên cơ sở này, từ nay đến cuối năm, Chính phủ không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sẽ chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực về kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.


Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 5,8%, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Chính phủ chủ trương đẩy nhanh tiến độ giải ngân và bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; tiếp tục tập trung tháo gõ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; triển khai các biện pháp khơi thông và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng...


Về những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, 6 tháng cuối năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tạo điều kiện giải ngân vốn ngân sách cho các dự án đang triển khai. Bên cạnh vốn ngân sách, cần đặc biệt quan tâm đến tạo cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội vào phát triển kinh tế, trong đó có cơ sở hạ hầng, qua đó góp phần làm tăng tổng cầu và hỗ trợ tăng trưởng.


Làm rõ hơn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để kích thích tăng trưởng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết: Tăng trưởng tín dụng thấp có những nguyên nhân khách quan: Sức cầu của nền kinh tế yếu, cơ chế phát triển thị trường hỗ trợ doanh nghiệp... Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cần có sự đồng bộ hỗ trợ nhiều chính sách vĩ mô như: Tăng đầu tư xã hội, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... Với ngân hàng, để tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo đẩy mạnh vay vốn ở những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghệ cao... Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý nợ xấu, trong đó, Công ty mua bán tài sản đã xử lý một phần nợ xấu nhưng cần tiếp tục giải quyết tốt hơn vấn đề này để thực hiện được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn.


Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu


Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, tại một số cửa khẩu biên giới Việt - Trung, phía Trung Quốc đã kiểm soát chặt chẽ hơn buôn bán tiểu ngạch nhưng chưa có chuyện cấm cửa khẩu, nhiều cửa khẩu khác vẫn hoạt động bình thường. Tại các dự án có nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu cũng chưa có thông tin nào về việc chậm trễ triển khai tiến độ các dự án. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống.


Làm rõ hơn về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã tính đến nhiều kịch bản trong đó, tình huống thứ nhất là Trung Quốc hạn chế giao thương biên giới, thứ hai là đóng cửa khẩu và kể cả trong tình huống xấu nhất là cấm vận kinh tế thì ảnh hưởng tuy có nhưng không phải khó khăn đến nỗi không thể giải quyết được. Chính phủ thống nhất đánh giá là có ảnh hưởng nhưng không phải quá lớn.


“Chủ trương của Chính phủ là xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, cố gắng trong quan hệ bang giao với các nước cố gắng không để phụ thuộc vào thị trường. Tuy nhiên, với những biến động trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay, Việt Nam cần có những giải pháp quyết liệt hơn để bảo đảm nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.


Để không phụ thuộc một thị trường nhất định, Chính phủ đã yêu cầu nhanh chóng mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, khuyến khích tiêu dùng nội địa. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: “Không phải vì tình hình Biển Đông phức tạp thì mới tính chuyện đa dạng hóa thị trường cả xuất nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam đã ký 8 Hiệp định thương mại song phương FTA với các nước và đang nỗ lực để ký Hiệp định TPP để mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhanh chóng thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường truyền thống và kể cả các thị trường mới; tích cực cung cấp thông tin về mặt hàng và thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam. Với quy mô dân số khoảng 90 triệu dân, việc đẩy mạnh triển khai cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng sẽ giúp mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt Nam”.


Thu Hường

Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài 2
Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển - Bài 2

Người dân những tỉnh ven biển không chỉ tập trung đánh bắt thủy hải sản mà còn chú trọng tận dụng nguồn nước để nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao để phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN