Chủ động tự chủ kinh tế

Những căng thẳng đang diễn ra trên Biển Đông là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại mối quan hệ về kinh tế với Trung Quốc. Hiện nay, nền kinh tế chúng ta lệ thuộc lớn vào Trung Quốc khi nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 23,7 tỷ USD năm 2013. Tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc này, cũng như đưa ra các giải pháp để nền kinh tế Việt Nam dần tự chủ.

 

Giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

 

Theo các chuyên gia, khi một nền kinh tế quá phụ thuộc vào một thị trường khác, trong khi bản thân nền kinh tế đó chưa phát triển cao thì sẽ chịu sự lệ thuộc. Bài toán lớn nhất của tự chủ kinh tế trong giai đoạn hiện nay là phải tối đa hóa độc lập chủ quyền, nhưng đồng thời cũng phải tối đa hóa sự phát triển.

 

Cơ hội để tự chủ


Đánh giá về tình hình Biển Đông hiện nay, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, đây là một dạng rủi ro bởi Trung Quốc đã là một mắt xích quan trọng của kinh tế thế giới, một nền kinh tế lớn và hấp dẫn đến mức Việt Nam “không thể không chơi”. Mặc dù tính đến những phương án xấu nhất mà Trung Quốc có thể gây ra cho kinh tế Việt Nam nhưng vị chuyên gia này cũng nhìn nhận, Trung Quốc không dễ gây hấn ồ ạt với kinh tế Việt Nam.

 

Năm 2013, nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm 31%, với giá trị 4,11 tỷ USD.  Ảnh: Danh Lam – TTXVN

 

“Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc không đơn thuần là quan hệ giữa hai nước mà còn có lợi ích của cả các tập đoàn lớn trên thế giới như Canon, Samsung. Trung Quốc có rất nhiều lợi ích từ Việt Nam, trong đó có việc làm của người lao động sản xuất hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam. Trung Quốc cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế như FTA, WTO mà nếu phá bỏ, Trung Quốc sẽ mất hình ảnh với các nước lớn trên thế giới và ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của chính họ”, ông Thành đánh giá về khả năng Trung Quốc gây khó cho kinh tế Việt Nam.


Cũng theo ông Thành, điều kiện hiện nay là cơ hội cho Việt Nam đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế và hội nhập sâu rộng. “Chúng ta cần đấu tranh cả về pháp lý nhưng đồng thời cũng yêu cầu tính linh hoạt, uyển chuyển của thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là hiệp định Việt Nam - EU và TPP”, ông Thành nói.


TS Lê Đăng Doanh cho rằng, tính phụ thuộc lẫn nhau là rất đáng chú ý. Chẳng hạn, 45% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam được xuất sang ba tỉnh miền Nam Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc có thể ép giá, nhưng cũng sẽ phải cân nhắc nếu không nhập nữa. “Không nên than phiền, hãy nhìn thấy cơ hội và tận dụng cơ hội trong thách thức này. Không có cách tự chủ nào khác là chúng ta phải tự cải cách và mạnh lên”, ông Doanh khẳng định.


Nâng cao nền tảng kinh tế


Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Chúng ta phải điều chỉnh để không bị quá lệ thuộc vào một vài thị trường mà phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là khi các hiệp định thương mại sắp được kí kết”.


Cốt lõi của tình trạng phụ thuộc hiện nay, theo bà Lan, là do còn nhiều vấn đề bất cập trong nội bộ nền kinh tế như thể chế, cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu đầu tư… chưa hợp lý. “Lâu nay, chúng ta xuất khẩu nông sản như gạo, cao su, trái cây rất nhiều sang Trung Quốc là do chính chúng ta chưa thể nâng cao chất lượng các sản phẩm của mình lên. Nếu chúng ta có gạo cao cấp như Thái Lan thì sẽ có thị trường rất vững vàng ở các nước phương Tây. Tương tự với cao su, ta chưa có ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước nên sản xuất mủ ra chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là chủ yếu. Trái cây cũng vậy, chúng ta không chế biến được, không bảo quản được để xuất khẩu đi xa hơn. Do đó, phải nâng cao nền tảng của các ngành sản xuất bằng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất cho hợp lý”, bà Lan phân tích.


Đối với các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, lâu nay Việt Nam chỉ làm gia công, thiếu công nghiệp hỗ trợ nên phải nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Từ những thực tế đó, nền kinh tế Việt Nam phải tự nâng cao sức mạnh của bản thân mình. “Khi nền kinh tế mạnh thì không sợ về một tỷ lệ buôn bán nhất định với một quốc gia nào đó. Thực tế, có những nước trong ASEAN buôn bán đến 40% với Mỹ, hay Đài Loan cũng buôn bán đến 40% với Trung Quốc nhưng nền kinh tế họ có thực lực, họ không ngại những sự lệ thuộc về kinh tế. Việt Nam phải phát triển kinh tế trong nước, nâng lên một nền tảng vững mạnh hơn”, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

 Hữu Vinh – Hoàng Dương

Xây dựng nền kinh tế tự chủ, hội nhập
Xây dựng nền kinh tế tự chủ, hội nhập

Trong những ngày diễn ra Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII, cử tri cả nước luôn dõi theo từng phiên họp, đặc biệt là trong hơn hai ngày Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các tư lệnh ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN