Chống lún đường cao tốc

Đường cao tốc bị sụt lún, hư hỏng không chỉ khiến nhà đầu tư sớm tốn kém chi phí bảo trì, mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng vận tải, thời gian sử dụng toàn tuyến. Vấn đề này thu hút đông đảo các chuyên gia xây dựng, cầu đường trong cả nước thảo luận tại hội thảo “Xây dựng đường cao tốc nhìn từ nhiều phía” tại Hà Nội ngày 26/11.

Bức xúc chất lượng đường cao tốc

Ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng được 543 km đường cao tốc. Thạc sỹ Trịnh Viết Linh (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT) nhận định: Nhiều tuyến cao tốc quan trọng đã được xây dựng hoặc lập dự án, tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, nên kết quả xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc hiện rất hạn chế. Nhất là thời gian gần đây, nhiều tuyến cao tốc hoàn thành, đưa vào sử dụng, chỉ sau thời gian ngắn đã xuất hiện tình trạng lún nứt. Ngoài yếu tố chủ quan do việc thảm mặt đường khó đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, do yếu tố địa hình, địa chất, thì nguyên nhân khách quan là do nhiều tuyến cao tốc được xây dựng trên nền đất yếu nên chất lượng không đảm bảo.

Đoạn đường đang theo dõi lún trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.



Không như các sự cố hằn vệt bánh xe có thể khắc phục triệt để và không để lại hậu quả xấu, tình trạng lún nứt đường cao tốc do đất yếu khó xử lý dứt điểm, vì kỹ thuật phức tạp, tốn kém kinh phí. Về lâu dài, các đoạn bị sụt lún không thể khai thác đúng thiết kế an toàn và gây bức xúc dư luận. Các dự án cao tốc: Sài Gòn - Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại lộ Đông - Tây TP Hồ Chí Minh... đều đã gặp sự cố này và đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm được.

Đồng quan điểm, PGS. TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia nghiên cứu nền đất của ngành GTVT chia sẻ: Yêu cầu phòng chống đất lún trên đường cao tốc chưa đạt yêu cầu. Trong các tuyến cao tốc đã được xây dựng, đến nay mới chỉ có 10 - 15% tuyến đường đáp ứng yêu được yêu cầu có xây dựng các công trình phòng hộ chống sụt lún. Nhiều công trình phòng chống đất lún chưa đạt mức độ kiên cố hóa theo TCVN9861:2013 (Tiêu chuẩn quy định các công trình hoặc phi công trình được xây dựng cùng với đường cao tốc để phòng ngừa đất lún và xử lý, khắc phục khi lún xảy ra trong quá trình khai thác). Đến nay, Bộ GTVT đã đưa vào vận hành 5 dự án đường bộ cao tốc: Sài Gòn - Trung Lương, Láng - Hòa Lạc, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên và đang thi công 3 dự án: Hà Nội - Hải Phòng, Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhưng trong số này, mới chỉ có cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi qua 60% đất đồi núi có các công trình phòng chống đất lún được xây dựng kèm.

Chống sụt lún ngay từ đầu

Thạc sỹ Ngô Lâm (Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng) cho biết: Theo Quy hoạch đường bộ cao tốc đến năm 2020, nước ta sẽ có khoảng hơn 6.300 km, một số tuyến đã được khai thác, xây dựng, còn nhiều tuyến đang lập dự án. Để bảo đảm về chất lượng các công trình, Bộ GTVT phải tăng cường giám sát định kỳ, rà soát các tiêu chuẩn về chất lượng công trình đối với các chủ đầu tư.

Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các dự án giao thông tăng gấp đôi thời gian bảo hành so với trước đây. Điều này khiến các chủ đầu tư, nhà thầu không dám làm bừa, làm ẩu. Chất lượng công trình cũng từ đó được tăng lên; đồng thời, qua đó, loại bỏ các nhà thầu yếu kém, làm ăn gian dối.

Trong đó, trách nhiệm của tư vấn giám sát đối với mỗi công trình đóng vai trò cốt yếu hỗ trợ chủ đầu tư giám sát, kiểm soát chất lượng công trình ngay từ giai đoạn nghiên cứu, thiết kế, thi công. Đơn vị tư vấn giám sát của mỗi công trình, nhất là dự án đi qua khu vực đồi núi phải là các đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thi công đường cao tốc, chủ động phát hiện tình trạng sụt lún có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến đường, qua đó đề xuất biện pháp thi công phòng chống.

PGS. TS Doãn Minh Tâm cũng khẳng định: Việt Nam thuộc khu vực mưa nhiều, có cấu trúc địa chất phức tạp ở các vùng núi cao. Vì vậy, các dự án đường bộ cao tốc xây dựng trong thời gian tới đi qua các địa chất này cần xác định yếu tố chống sụt lún đường ngay từ khi dự án nghiên cứu khả thi. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc phải có các công trình hỗ trợ phòng chống sụt lún nền đường. Bộ GTVT áp dụng ngay quy định này đối với các tuyến cao tốc đang xây dựng như Hà Nội - Hải Phòng, La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi... hay các tuyến cao tốc đang trong giai đoạn lập báo cáo đầu tư như Lạng Sơn - Bắc Giang, Dầu Giây - Đà Lạt... nhằm tránh những chi phí phát sinh lớn để bảo dưỡng, bảo trì sau này.

Tiến Hiếu

Chuyển nhượng thu phí đường cao tốc
Chuyển nhượng thu phí đường cao tốc

Thị trường chuyển nhượng hạ tầng giao thông giá trị lớn sẽ được hình thành khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thực hiện chủ trương bán quyền quản lý dự án các đường cao tốc, nhằm giảm đầu tư công, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, để lấy vốn đầu tư các dự án mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN