Chọn giống để nâng cao chất lượng gạo

Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện vẫn tồn tại một bất cập: Mỗi vụ lúa có đến hàng chục đến hàng trăm giống lúa được nông dân sử dụng để gieo sạ. Trong đó, nhiều loại giống là lúa thương phẩm của vụ trước được người dân sử dụng để gieo sạ lại trong vụ sau. Còn theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiện chỉ có 10% lượng giống gieo sạ trong vùng là do các cơ quan chính thống sản xuất, được quản lý, xác nhận; còn lại là do nông dân tự làm, trao đổi với nhau.


Lúa thương phẩm làm lúa giống


Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam rất thấp, nên không thể cạnh tranh được với các nước khác, đồng thời cũng khó để doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nâng giá lên ngang tầm với giá các nước xuất khẩu trong khu vực. “Chất lượng gạo thấp một phần là do trong một vụ có đến mấy trăm giống lúa được gieo sạ”, ông Bảy khẳng định.

Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.


Có một thực tế hiện nay ở ĐBSCL, người nông dân vẫn chưa chú trọng đến việc sản xuất lúa bằng những loại giống thuần chủng hay giống được xác nhận. Thay vào đó, người dân tự gieo sạ giống theo “cảm nhận, đánh giá” của mình. Theo đó, khi đi tham quan hay phát hiện nơi nào có giống lúa đang gieo trồng trông “đẹp mắt”, bông dài và chắc hạt thì người dân sẽ đổi hoặc mua giống lúa đó để trồng ở vụ sau. Chính vì cách chọn giống này, nhiều giống lúa đã được sản xuất đi sản xuất lại, đến khi nào cảm thấy năng suất giảm thì mới đổi sang giống khác. Anh Nguyễn Tấn Thi ở xã Long Thuận, thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Từ xưa đến nay tôi chưa lần nào mua giống do các công ty bán mà chỉ “xài” giống do mình tự sản xuất hoặc trao đổi với hàng xóm. Có vụ sản xuất lúa thường, có vụ sản xuất lúa thơm nhưng hầu hết đều không phải là giống thuần chủng hay xác nhận. Sản xuất lúa bây giờ mà đầu tư giống xác nhận hay mua lúa giống từ các công ty sản xuất lúa giống thì không thể lời được. Mà cũng không dễ kiếm được nơi cung cấp giống xác nhận”.


Thống kê sơ bộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi địa phương vùng ĐBSCL hiện nay canh tác khoảng 20-30 giống lúa khác nhau cho mỗi vụ lúa. Theo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, việc trong cùng một cánh đồng mà sản xuất nhiều giống khác nhau sẽ khiến chất lượng lúa gạo không đồng đều và giá trị thương mại của hạt gạo sẽ không cao.


Doanh nghiệp phải đầu tư


Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, xác nhận rằng, có đến hàng trăm giống lúa được nông dân sử dụng trong mỗi mùa vụ. Điều này dẫn tới chất lượng gạo không đồng nhất nên chỉ phân biệt qua tên gọi là gạo thường hoặc gạo chất lượng cao. “Để có nguồn nguyên liệu ổn định và đồng nhất về chất lượng thì phải xuất phát từ doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần đưa ra loại giống và đặt hàng với nông dân sản xuất”, ông Phả khẳng định. Còn theo bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Võ Thị Thu Hà, cho biết những năm qua, công ty đã thực hiện việc liên kết và bao tiêu sản phẩm cho nông dân ở Tam Nông (Đồng Tháp) từ 200 ha ban đầu nay đã nâng lên 2.500 ha. “Chúng tôi ứng vốn bằng tiền mặt cho hợp tác xã và đặt hàng cho nông dân sản xuất theo giống lúa công ty yêu cầu và công ty chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Cuối vụ, công ty sẽ thu mua với giá cao hơn 200 đồng/kg cho nông dân so với giá thị trường và chi 10 đồng/kg cho hợp tác xã để lấy kinh phí điều hành. Có như thế thì chất lượng gạo xuất khẩu của chúng tôi mới ổn định và chủ động trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu”.


Cùng quan điểm này, PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng trường Quản lý cán bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho rằng để tăng sức cạnh tranh và ổn định chất lượng của sản phẩm xuất khẩu, doanh nghiệp cần phải đầu tư cho nông dân dựa trên khảo sát thị trường cần gì. Khi đó, doanh nghiệp sẽ cung cấp giống xác nhận, cung cấp dịch vụ khuyến nông, cung ứng vật tư cho nông dân và cuối cùng là bao tiêu sản phẩm.


Với cách nhìn của một chuyên gia nghiên cứu giống, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, cần phải định hướng nhóm gạo nào là chính để tập trung cho nghiên cứu và sản xuất, kinh doanh giống phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và sản xuất lúa gạo hàng hóa giá trị cao... “Chúng ta vẫn cần và có khả năng nghiên cứu, sản xuất gạo thơm đặc sản để có giá trị cao hơn, không chỉ để xuất khẩu, mà nhu cầu trong nước cũng ngày một cao và để có thương hiệu lúa gạo quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nên đặt hàng cho đơn vị khoa học công nghệ nghiên cứu giống, quy trình canh tác, mua hoặc hợp tác khai thác tác quyền giống để kinh doanh giống hoặc đầu tư vùng nguyên liệu”, TS Bảnh cho biết. Cũng theo TS Bảnh, Viện sẽ hỗ trợ đắc lực cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong việc sản xuất, cung ứng các giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng; đồng thời, cung cấp dịch vụ kiểm định, kiểm nghiệm; tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa giống và thực hiện tác quyền giống lúa.


Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, các cơ quan chuyên môn và các địa phương trong thời gian tới phải tăng cường kiểm soát khâu sản xuất, cung ứng lúa giống. Mỗi địa phương chỉ nên chọn 3 - 5 giống chủ lực và khoảng 5 giống thay thế để đưa vào sản xuất, tránh tình trạng có quá nhiều giống như hiện nay.


Bài và ảnh: M.Thuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN