Chính sách tài chính, tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng cuối năm

Theo các chuyên gia kinh tế, cần có một sự bứt phá mạnh mẽ trong những tháng còn lại của năm nay, tối thiểu là 7,4% để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%. Trong đó, chính sách về tài chính, tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới.

Cơ hội tăng trưởng cao hơn trong hai quý cuối năm

Phát biểu tại hội thảo khoa học về chính sách tài chính, tiền tệ sáng nay 14/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định, 6 tháng đầu năm đã đạt được một số kết quả như: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, kinh tế phục hồi rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng quý II cao hơn nhiều so với quý I, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,73%. 

“Điều này phản ánh nỗ lực của việc cải cách kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh và điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã có những tác động tích cực đến nền kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2017 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm thì còn nhiều thách thức. Cải cách kinh tế, đặc biệt là cải cách kinh tế khu vực nhà nước còn chậm. Khu vực kinh tế tư nhân, động lực phát triển của nền kinh tế còn yếu, lạm phát dù được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ tăng trở lại. sự biến động của thị trường tài chính quốc tế đặc biệt là việc FED tăng lãi suất, giải ngân đầu từ công chậm, nợ công gần chạm trần Quốc hội cho phép, bội chi ngân sách vẫn khó kiểm soát.

Chính sách tài khóa, tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Để vượt qua những thách thức nêu trên cần có bứt phá mạnh mẽ hơn trong 6 tháng cuối năm, trong đó cần có đánh giá khách quan về chính sách kinh tế vĩ mô đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ.

Kết quả của nhóm nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ tác động đến tăng trưởng của Học viện Chính sách và Phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy xu hướng tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục và có cơ hội tăng trưởng hai quý cuối năm sẽ cao hơn hai quý đầu năm. Tốc độ tăng trưởng hai quý đầu năm cao hơn nhiều so với lạm phá phản ánh phần nào chất lượng của tăng trưởng đã được cải thiện.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thạc Hoát, trưởng khoa Tài chính-Tiền tệ (Học viện Chính sách và Phát triển) trong giai đoạn 2001-2016, qua nghiên cứu cho thấy, khi cung tiền tăng sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng với độ trễ là 2 quý. Tăng cung tiền hợp lý thì sẽ giúp ổn định và kiểm soát lạm phát.

“Trong 6 tháng đầu năm 2017, cung tiền chỉ ở mức gần 5,69% (mục tiêu cả năm là 16-18%), vì vậy còn có thể tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, nhưng cần thận trọng lựa chọn các kênh tăng cung tiền phù hợp”, TS Nguyễn Thạc Hoát nhận định.

Lựa chọn chính sách tài chính, tiền tệ nào là phù hợp?

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm qua, chính sách kiểm soát tỷ giá của Ngân hàng nhà nước linh hoạt, phù hợp với thực tiễn kinh tế Việt Nam. “Tuy vậy, áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới là khá lớn do đó cần theo đuổi mục tiêu kiểm soát tỷ giá trong biên độ 2-3% là phù hợp”, TS Nguyễn Thạc Hoát đề xuất.

Động thái giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng nhà nước (có hiệu lực từ 10/7/2017 ) cũng được đánh giá là tích cực. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng quy mô dòng vốn bao nhiêu thì hoàn toàn phụ thuộc vào quy mô của các Ngân hàng thương mại.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, việc mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý từ 16-18% vì trên trên 18%  đến 20% là  tăng trưởng nóng. Ngân hàng nhà nước từ giờ đến cuối năm sẽ phải dùng nhiều đồng bộ giải pháp để đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng do năm nay tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động vốn, cho vay ngoại tệ nhanh hơn so với năm ngoái. 

Ngoài ra, cần xem xét thêm Thông tư 06 về áp dụng tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Theo Thông tư này, từh từ đầu năm tới, ngân hàng chỉ được phép dùng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung –dài hạn (hiện nay là 50%). Như thế sẽ rất khó khăn cho hệ thống ngân hàng về nguồn vốn trung-dài hạn cũng như về thanh khoản. Như thế ngân hàng lại phải đấy huy động vốn, đồng nghĩa là lại phải đẩy lãi suất lên, khiến cho đầu ra thêm khó khăn.

“Chúng tôi đang đề xuất Thông tư 06 có thể điều chỉnh theo hướng gia hạn thời gian áp dụng, thay vì thời gian là 1/1/2018, hoặc là điều chỉnh tỷ lệ là 45% thay vì 40%”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Bên cạnh đó, để thúc đẩy tăng trưởng từ nay đến cuối năm thì quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu phải đẩy nhanh hơn. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công nhưng trong tầm kiểm soát, không phải đẩy nhanh bằng mọi giá… Đặc biệt là phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để đảm bảo mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, kiểm soát chặt mặt bằng giá cả. Từ nay đến cuối năm, chính thức đưa thị trường phái sinh vào hoạt động từ nay đến cuối năm.

Về trung và dài hạn, phải kiên định với mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng; nhưng có thể phải chấp nhận tăng trưởng không như mong để tăng trưởng được bền vững. Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc mạnh mẽ thị tường tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. 

“Chúng tôi đang đề xuất nên bỏ giới hạn tăng trưởng tín dụng; nghiên cứu dần để hoàn thiện mô hình công cụ quản lý, giám sát hệ thống tài chính tốt hơn. Về lâu dài Ngân hàng nhà nước phải độc lập hơn, hiện đại hơn để quyết định chính sách tỷ giá, lãi suất đảm bảo tính thị trường cao hơn”, TS Cấn Văn Lực cho biết.

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Khai thác các dư địa để đạt tăng trưởng GDP cả năm 6,7%
Khai thác các dư địa để đạt tăng trưởng GDP cả năm 6,7%

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu khai thác được các dư địa hiện có thì hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay là 6,7%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN