Chỉ số sản xuất của Trung Quốc thấp nhất trong hơn 6 năm

Ngày 21/8, kết quả khảo sát sơ bộ của Tập đoàn truyền thông Tài Tân cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 8 ở nước này đã rớt xuống 47,1 điểm, thấp hơn mức 47,8 của tháng 7 và là mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua.

Các mặt hàng trong một cửa hiệu tại Ngân Xuyên, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ. Ảnh: THX-TTXVN


Điều này gây thêm lo ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục giảm tốc. Chỉ số PMI tính trên cơ sở 100 điểm, thể hiện hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công xưởng, được xem là một thước đo sức khỏe nền kinh tế đất nước. PMI trên 50 điểm thể hiện tăng trưởng, dưới 50 điểm là giảm sút.

Theo nhà kinh tế học Hà Phàm, PMI tháng 8 tiếp tục giảm so với mức thấp trong 2 năm qua của tháng 7/2015 chỉ ra kinh tế Trung Quốc vẫn ở tiến trình thoát đáy. Chuyên gia này nhận định Trung Quốc tiếp tục đối mặt với áp lực duy trì tỷ lệ tăng trưởng, đồng thời cho rằng chính phủ cần điều chỉnh các chính sách tài chính, tiền tệ phù hợp nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tăng cường cải cách cơ cấu.

Được công bố hàng tháng trước khi có số liệu PMI chính thức, kết quả sơ bộ PMI là số liệu sớm nhất cho thấy tình hình của ngành chế tạo Trung Quốc. Ước tính này dựa trên gần 85-90% tổng kết quả điều tra PMI từ hơn 420 công ty chế tạo mỗi tháng, sau đó được sử dụng để đưa ra PMI cuối cùng. Chỉ số chế tạo chính thức của tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 1/9 tới.

Năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 khi chỉ đạt 7,4% so với mức tăng trưởng 7,7% của năm 2013. Năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục ghi nhận các dấu hiệu giảm đà tăng trưởng với tỷ lệ 7% trong hai quý đầu năm.

Thị trường điện thoại thông minh bị thách thức bởi sự bão hòa tại Trung Quốc

Theo một báo cáo của hãng nghiên cứu Gartner (Mỹ) được công bố ngày 20/8, sự suy giảm doanh số bán điện thoại thông minh ở Trung Quốc cho thấy thị trường điện thoại di động lớn nhất thế giới này đã đến giai đoạn bão hòa, đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất.

Báo cáo cho biết doanh số bán điện thoại thông minh của toàn thế giới trong quý II/2015 là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2013, chỉ tăng 13,5%.

Tuy nhiên, riêng tại Trung Quốc, doanh số bán điện thoại thông minh cách đây 1 năm đã giảm tới 4%. Đổi lại, doanh số bán loại điện thoại này tại những thị trường khác ở châu Á và các thị trường mới nổi ở Đông Âu, Trung Đông và châu Phi lại gia tăng.

Theo ông Anshul Gupta - một chuyên gia phân tích của Gartner, do Trung Quốc là nước có doanh số bán điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, chiếm 30% tổng doanh số bán thiết bị này trên toàn cầu trong quý 2/2015, nên thành tích yếu kém nói trên của nước này đã ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích nói chung của thị trường điện thoại di động toàn cầu trong quý II năm nay.

Theo ông, thị trường điện thoại di động của Trung Quốc đã bão hòa - bị chi phối chủ yếu do việc thay thế điện thoại và ngày càng ít người lần đầu tiên mua thiết bị này. Ông nhận định rằng ngoài phân khúc thị trường các loại điện thoại giá rẻ, sức hấp dẫn của những loại điện thoại thông minh hàng đầu sẽ là yếu tố then chốt đối với các nhà kinh doanh thiết bị này khi họ muốn lôi cuốn sự chú ý của những người tiêu dùng có ý định nâng cấp điện thoại, cũng như nhằm duy trì hoặc tăng thị phần của họ tại Trung Quốc.

Báo cáo nói trên cũng khẳng định số liệu thống kê trong những báo cáo trước đó về thị phần điện thoại di động cho thấy Samsung vẫn là hãng có doanh số bán loại thiết bị này cao nhất trong năm nay với 21,9% thị phần, đứng thứ hai là hãng Apple với 14,6% thị phần. Ngoài ra, có 3 hãng chế tạo điện thoại di động của Trung Quốc lọt vào tốp 5 hãng sản xuất điện thoại có thị phần cao nhất là Hoa Vi (7,8%), Lenovo (5%) và Tiểu Mễ (4,9%).

Thị trường chứng khoán Singapore lao dốc

Thị trường chứng khoán Singapore mở cửa phiên giao dịch ngày 21/8 đã lao dốc mạnh với chỉ số STI phá vỡ ngưỡng kỹ thuật 3.000 điểm, xuống 2.972,05 điểm.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, so với mức đóng cửa ngày 20/8, chỉ số STI đã mất 37,74 điểm, tương ứng với 1,25%. Chỉ số STI đã giảm khoảng 6% kể từ cuối tháng 7 đến nay. Những lo ngại của nhà đầu tư trong phiên giao dịch trước đó về việc STI sẽ phá vỡ ngưỡng “tâm lý” 3.000 điểm đã xảy ra. Hiện tượng bán tháo cổ phiếu vẫn lan rộng toàn thị trường, với các mã giảm điểm (418) áp đảo mã tăng điểm (83).

Theo các chuyên gia, mặc dù bị tác động bởi sự đi xuống của các thị trường chứng khoán chính như Mỹ hay các thị trường khác trong khu vực châu Á, những lo lắng về sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc cùng với sụt giảm thương mại toàn cầu và tình trạng giảm phát do giá dầu xuống thấp…, song sự “tụt dốc” của chỉ số STI địa phương là bất thường bởi Singapore vốn được coi là thị trường với “hàng hóa” đầy chất lượng và an toàn.

Theo thống kê, chỉ số STI đã từng xuống dưới mức 3.000 điểm năm lần trong ba năm qua và lần lâu nhất là trong vòng hai tuần vào giữa tháng 11/2012.



TTXVN/Tin tức
Vụ nổ Thiên Tân có thể “hãm phanh” thị trường ô tô Trung Quốc
Vụ nổ Thiên Tân có thể “hãm phanh” thị trường ô tô Trung Quốc

Các vụ nổ tại thành phố cảng Thiên Tân vừa qua có thể “hãm phanh” thị trường ô tô nội địa Trung Quốc, khi hoạt động nhập khẩu ô tô và linh kiện qua một trong những khu cảng lớn hàng đầu thế giới này bị gián đoạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN