Chỉ số Hang Seng sẽ tăng lên 50.000 điểm?

Khi những thông tin liên quan tới khả năng FED rút QE vào cuối năm 2013, thậm chí sẽ giảm quy mô QE ngay trong mùa hè này, bắt đầu bay lượn trên mặt báo, Morgan Stanley lại cho rằng Chỉ số Hang Seng có thể sẽ tăng lên 50.000 điểm.

Chỉ số Hang Seng sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2015 so với mức đóng cửa ngày 16/5/2013?


Tính tới cuối tháng 4 vừa qua,
thị trường chứng khoán Hong Kong đã có khoảng 2 tháng lao đao đi xuống với mức giảm tương đối sâu. Phần lớn nhận định cho rằng quá trình điều chỉnh đã kết thúc, nhưng ít ai nghĩ rằng Chỉ số Hang Seng sẽ có bước đột phá mạnh bởi rủi ro đến từ nhân tố bên ngoài vẫn tồn tại và khó đoán định. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư đi theo hướng đánh cổ phiếu chứ không đi theo hướng đánh chỉ số chung để làm đà kéo thị trường. Vì vậy, dòng tiền đã hướng mạnh vào những cổ phiếu có cổ tức cao và ổn định như của ngân hàng HSBC, hãng PCCW, tập đoàn CLP… Nếu tính từ đầu năm tới nay, trong khi Chỉ số Hang Seng chỉ tăng khoảng 2,5%, còn các cổ phiếu trên tăng từ 10% đến 30%.

Trong bối cảnh đó, hãng dịch vụ tài chính quốc tế Morgan Stanley bất ngờ đưa ra nhận định Chỉ số Hang Seng có thể tăng lên 50.000 điểm vào cuối năm 2015. Điều đó có nghĩa trong khoảng thời gian chưa đầy 3 năm nữa, Chỉ số Hang Seng sẽ tăng hơn 2,16 lần so với mức đóng cửa của ngày 16/5 (23.082,68 điểm). Nói một cách khác, nếu khả năng này xảy ra, bằng việc rót tiền vào chứng khoán ở giai đoạn này, nhà đầu tư có thể nhân hơn gấp đôi tài khoản vào năm 2015. Vậy đâu là cái lý của Morgan Stanley?

Trong một phát biểu mới đây được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong trích dẫn, ông Quách Cường Thịnh, Trưởng Bộ phận Sách lược đầu tư cổ phiếu khu vực châu Á và thị trưởng mới nổi của Morgan Stanley, chỉ rõ kinh nghiệm quá khứ cho thấy mức tăng (như dự báo của Morgan Stanley) không phải là cái gì đó kỳ lạ.

Trong lịch sử 44 năm của thị trường chứng khoán Hong Kong, thường cứ 3 năm Chỉ số Hang Seng lại tăng mạnh một lần. Nhịp tăng cuối cùng gần đây nhất của Chỉ số Hang Seng là từ tháng 10/2008 tới tháng 4/2011 với mức tăng là 121%. Trước đó, từ tháng 4/2005 tới tháng 10/2007, Chỉ số Hang Seng tăng 132% và đạt mức kỉ lục là 31.636 điểm.

Theo ông Quách Cường Thịnh, hiện nay, Chỉ số Hang Seng đang tích lũy và chỉ đợi thời cơ là bùng nổ. Nếu chu kỳ 8 năm lập một đỉnh và đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ từ 50%-100% lặp lại, vào cuối năm 2015, Chỉ số Hang Seng sẽ tiếp cận ngưỡng 50.000 điểm. Khả năng này đang được hỗ trợ bởi tình hình thanh khoản tốt đẹp đến từ việc nhiều nước và khu vực trên thế giới thực hiện chính sách nới lỏng định lượng (QE).

Chỉ cần gắn Chỉ số Hang Seng với chính sách QE của Mỹ đã thấy mỗi khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra QE, Chỉ số Hang Seng thường đạt đỉnh vào 3 năm sau Trong khi đó, QE3 được FED đưa ra vào tháng 9/2012, cho nên, rất có thể vào năm 2015, Chỉ số Hang Seng sẽ lại đạt đỉnh mới.

Ngoài ra, theo nhà phân tích Jonathan Garner (cũng của Morgan Stanley), các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản của chính quyền Hong Kong và Trung Quốc thực hiện chương trình QDII (cho phép nhà đầu tư trong nước đầu tư vào thị trường chứng khoán bên ngoài) sẽ hướng dòng tiền vào thị trường chứng khoán. Đồng thời, hệ số giá trên thu nhập (P/E) và chỉ số giá trên giá trị số sách (P/B) của thị trường chứng khoán Hong Kong hiện nay lần lượt ở mức 11 lần và 1.52 lần là mức thấp lịch sử. Nếu quay lại mức bình quân, 3 năm sau, Chỉ số Hang Seng có thể đạt mức 50.000 điểm.

Đành rằng khi mua cổ phiếu ai cũng muốn thị trường tăng, nhưng dự báo lạc quan của Morgan Stanley không thể không khiến người ta nghi ngờ. Trước tiên, nếu chu kỳ cứ tuần tự diễn ra như một định luật như vậy, thị trường không cần tới các nhà phân tích hay cố vấn đầu tư. Bên cạnh đó, lịch sử cũng cho thấy nếu Mỹ thắt chặt tài chính, đà giảm sẽ xuất hiện và kéo dài trên thị trường chứng khoán Hong Kong.

Gần đây, những thông tin liên quan tới khả năng FED rút QE vào cuối năm 2013, thậm chí sẽ giảm quy mô QE ngay trong mùa hè này, bắt đầu bay lượn trên mặt báo. Nếu việc này trở thành sự thực, dự báo của Morgan Stanley khó có thể đứng vững.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Hong Kong còn bị tác động mạnh bởi diễn biến kinh tế của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học phổ biến cho rằng thời kỳ tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao (khoảng 10%/năm) của Trung Quốc đã qua đi.

Hiện nay, Trung Quốc đã bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 7%-8% . Việc tăng trưởng kinh tế quý I/2013 của Trung Quốc chỉ đạt 7,7% chính là đặc trưng cho thấy kinh tế Trung Quốc đã bước vào thời kỳ mới này.

Nỗi lo ngại về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chậm lại tăng lên không được coi là nhân tố tích cực đối với thị trường. Việc các nhà đầu tư chuyển sang đánh cổ phiếu tốt đã cho thấy tâm lý phòng thủ khi rủi ro tiềm ẩn từ kinh tế Mỹ, Trung Quốc và khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn còn tồn tại.


Bài, ảnh: Hà Ngọc(P/v TTXVN tại Hong Kong)
Chứng khoán Hong Kong sẽ bước qua 'lời nguyền tháng 5'?
Chứng khoán Hong Kong sẽ bước qua 'lời nguyền tháng 5'?

Mặc dù trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 5, Chỉ số Hang Seng giảm 0,3%, nhưng có thể “lời nguyền tháng 5 khốn cùng” sẽ không lặp lại trong tháng 5/2013.x

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN