Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7: Hà Nội tăng 1,32%, TP Hồ Chí Minh tăng 1,07%

Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Thủ đô tăng 1,32% so với tháng 6, tăng 21,55% so với cùng kỳ năm trước; tăng 14,43% so với cuối năm 2010.

Tháng 7, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng tới 2,67% (tăng mạnh nhất trong 11 nhóm hàng). Các nhóm còn lại, đều có chỉ số tăng giá không quá 0,58% so với tháng trước, ngoại trừ bưu chính viễn thông vẫn giữ nguyên.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, mức tăng mạnh của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 7 chủ yếu do giá của mặt hàng thực phẩm tăng cao tới 3,74%. Hầu hết các loại thực phẩm tươi sống tiếp tục tăng do tình trạng thiếu nguồn cung cho thị trường. Nguồn cung thủy sản cũng hạn chế do đang trong thời kỳ nuôi thả cá thịt đợt 2 dẫn đến giá các loại thủy sản cũng có xu hướng tăng. Hơn nữa, trong tháng 7, do các thí sinh đi thi đại học và cao đẳng từ các nơi tập trung về Hà Nội nên nhu cầu ăn uống tăng lên; bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng đã làm chỉ số giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, mặt hàng lương thực đã có mức giá giảm so tháng trước do năm nay vụ chiêm miền Bắc được mùa. Mức giảm của mặt hàng này đã góp phần làm giảm bớt CPI tháng 7. Những nhóm còn lại như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng sau một thời gian tăng cao đã chững lại do giá gas trên thế giới giảm, các hãng gas trong nước cũng điều chỉnh giảm giá bán.

* Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong tháng 7/2011 đã tăng 1,07% so với tháng trước.

So với tháng 12/2010, CPI của thành phố đã tăng 12,73% và tăng 17,89% so với tháng 7/2010.

Như vậy, sau tháng 6 “đột ngột giảm tốc”, CPI của thành phố trong tháng 7 đã lấy lại đà tăng trên 1%, được ghi nhận là mức tăng cao nhất trong số các tháng 7 của 10 năm trở lại đây.

Trong các nhóm hàng chủ yếu tính CPI, chỉ duy nhất nhóm viễn thông giá giảm 0,01% còn 10 nhóm hàng còn lại giá đều tăng từ 0,14 đến 1,9%. Cá biệt có 3 nhóm tăng trên 1% là “hàng ăn và dịch vụ ăn uống”, “may mặc, mũ nón, giày dép” và nhóm “thiết bị đồ dùng gia đình”.

Dẫn đầu mức tăng trong tháng là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, ở mức 1,9%, nhờ sự đóng góp của các nhóm lương thực tăng 0,35%, thực phẩm tăng 1,92% và ăn uống ngoài gia đình tăng 2,63%.

Trái với xu hướng giảm giá lương thực chung của cả nước do đang vào vụ thu hoạch, giá lương thực trên địa bàn thành phố đã tăng 0,35%.

Ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm đã khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,63%.

Thời tiết vào mùa nắng nóng cộng với việc chuẩn bị mua sắm cho năm học mới đã khiến giá nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép trong tháng tăng 1,25%.

Ảnh hưởng gián tiếp của chi phí đầu vào của doanh nghiệp như lãi suất cao, chi phí nhân công đắt đã khiến giá cả nhóm hàng đồ dùng gia đình tăng mạnh ở mức 1,13% trong tháng.

Ngoài các nhóm hàng nêu trên, các nhóm hàng khác còn lại tăng nhẹ từ 0,14 đến 0,72 tùy từng nhóm.

Trong tháng, giá vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi giá vàng tăng 0,85%, còn giá đô la Mỹ giảm 0,03%.

Anh Tùng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN