Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng kỷ lục

Với mức tăng đột biến 3,32%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 cả nước đã lập hai “kỷ lục” mới về mức tăng cao nhất trong 35 tháng qua và mức tăng cao nhất so với các tháng 4 kể từ năm 1991 đến nay.

Xác lập các “kỷ lục” mới

Theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê (TCTK) ngày 24/4, CPI tháng 4 cả nước tăng cao đột biến là 3,32%, đưa CPI 4 tháng qua tăng 9,64% so với tháng 12/2010 và tăng 13,95% so với bình quân 12 tháng năm 2010.

CPI tháng 4 tăng ở cả 11/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,02-6,04%; trong đó có 3 nhóm tăng trên 4%, 6 nhóm tăng trên 1% và 2 nhóm tăng dưới 1%.

Tiếp tục tháng thứ hai liên tiếp, nhóm giao thông tăng cao nhất là 6,04%, đẩy CPI tháng 4 cả nước tăng thêm 0,54%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2011 tăng 3,32%, cao nhất trong 35 tháng qua. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Mức tăng cao của CPI các tháng tới đã được tiên liệu và vẫn nằm trong vòng chủ động kiểm soát của Chính phủ khi các giải pháp đồng bộ theo Nghị quyết 11 đang được triển khai đúng hướng và quyết liệt.

Tiếp đến là các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 4,5%; trong đó, lương thực tăng 2,47%, thực phẩm tăng 5,61% và ăn uống ngoài gia đình tăng 3,31%. Đặc biệt, nhóm thực phẩm tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 2/2008 (năm khủng hoảng kinh tế) và riêng nhóm thực phẩm đã kéo CPI cả nước tăng 1,37%. Giá hầu hết các mặt hàng từ thịt lợn, thịt gà, thịt bò và thủy, hải sản đều tăng mạnh và thị trường đang hình thành mặt bằng giá mới.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tiếp tục tăng 4,38%, kéo CPI cả nước tăng thêm 0,44%.

Cũng trong tháng 4, tám nhóm còn lại trong rổ hàng hóa chung cũng có mức tăng tương đối: May mặc và giày dép tăng 1,63%, thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,38%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,31%, thuốc và y tế tăng 1,03%, hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,02%, nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 1,01%, giáo dục tăng 0,29%, bưu chính viễn thông tăng thấp nhất với 0,02%.

“Thủ phạm” là nhóm hàng thiết yếu

Lý giải về nguyên nhân tăng đột biến của CPI tháng 4, Vụ trưởng Vụ Giá, TCTK Nguyễn Đức Thắng cho biết: CPI tháng 4 tăng cao là do tác động tương hỗ phức tạp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Những bất ổn về chính trị ở Bắc Phi và Trung Đông, động đất, sóng thần ở Nhật Bản khiến giá một số mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên vật liệu đầu vào, sắt, thép, chất đốt, thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng cao, từ đó làm cho giá trong nước tăng.

Hỗ trợ người nghèo và người cận nghèo

Tổng cục trưởng TCTK Đỗ Thức cho biết: CPI tháng 4 lập “kỷ lục” về mức tăng cao nhất chủ yếu là do các tác động trực tiếp, gián tiếp của việc điều chỉnh tăng giá điện, giá xăng dầu trong tháng 3. Theo tính toán, áp lực tăng giá tiêu dùng sẽ còn kéo dài đến hết tháng 6 tới bởi tác động trễ của chính sách đưa giá ba loại nguyên nhiên liệu đầu vào thiết yếu điện, than, xăng dầu tiếp cận giá thị trường. Tuy nhiên, mức tăng cao của CPI các tháng tới đã được tiên liệu và vẫn nằm trong vòng chủ động kiểm soát của Chính phủ khi các giải pháp đồng bộ theo Nghị quyết 11 đang được triển khai đúng hướng và quyết liệt.

Cũng theo ông Thức, do giá cả tăng ở hầu hết các nhóm hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, chất đốt, nhiên liệu nên việc tăng giá tiêu dùng sẽ tác động mạnh đến đời sống dân cư, nhất là những người về hưu, các đối tượng xã hội như sinh viên ngoại tỉnh, người nghèo và cận nghèo.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng: Trong những tháng còn lại, Chính phủ cần tiếp tục có các giải pháp thiết thực, kịp thời để đảm bảo mức sống, phúc lợi cho các đối tượng này.

Nguyễn Kim Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN