Chất lượng nguồn nhân lực là trọng tâm

Vừa qua, tại hội nghị phối hợp “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ đồng ý giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ quan thực hiện Chương trình khoa học quan trọng này.


Để hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, phóng viên báo Tin tức Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Vũ Minh Giang (ảnh), Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội về ý nghĩa thiết thực cũng như tính hiệu quả của chương trình.


Thưa Giáo sư! Chương trình này được thực hiện có ý nghĩa như thế nào để góp phần giúp Tây Bắc phát triển?


Từ trước đến nay, không phải Tây Bắc chưa có những chương trình, đề tài liên quan tới KHCN cũng như chuyển giao công nghệ. Ở một phương diện khác, các chương trình, các đề tài ấy thường được ghép vào các chương trình mục tiêu có thể là do Chính phủ giao và cũng có thể là được triển khai từ các bộ, ngành.


Nhưng chúng ta chưa có một chương trình tổng thể về Tây Bắc theo nghĩa là nghiên cứu một cách toàn diện, đặt trong mối tương tác hết sức chặt chẽ giữa điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái với cuộc sống con người, giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng với yêu cầu bảo tồn, duy trì và phát triển văn hóa. Một chương trình có tính chất tổng thể, huy động một lực lượng lớn các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý tham gia vào thì trước chương trình này chưa có.


Chính vì tầm quan trọng của Tây Bắc, cho nên Thủ tướng Chính phủ đã đưa Tây Bắc vào là một vùng trọng điểm. Vấn đề còn lại là ai sẽ được giao nhiệm vụ triển khai, hay nói đúng hơn là làm đầu mối của chương trình này để phát huy hiệu quả. Việc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội được Chính phủ giao là đơn vị làm đầu mối triển khai chương trình này, nhà trường đã nhận thức đây là một nhiệm vụ rất nặng nề.


Nhưng về phương diện khác, Đại học Quốc gia Hà Nội lại coi đây là một vinh dự. Trách nhiệm này gắn với vinh dự lớn là bởi khác với các cơ sở đào tạo khác, Đại học Quốc gia Hà Nội là một đơn vị đặc biệt và khi được giao nhiệm vụ có tính quốc gia, chúng tôi sẽ thể hiện hết vai trò của mình.


Một chương trình đặt ra yêu cầu cao, đó là nghiên cứu khoa học không đơn giản là giải những bài toán cụ thể như tăng sản lượng lương thực, đưa cây này, nuôi con kia… cái đó rất quan trọng. Những cái đó các chương trình mục tiêu đã thực hiện.


Ở chương tình này, bài toán phức tạp rất nhiều, bởi tài nguyên là như vậy, điều kiện là như vậy, tầm quan trọng về an ninh, quốc phòng như vậy… trong khi mức sống của người dân lại rất thấp, thiếu thốn. Tất cả những cái đó được coi là bài toán đa biên, phức hợp mà không thể hóa giải bằng một chương trình mục tiêu và thậm chí bằng nhiều chương trình mục tiêu. Đã đến lúc phải có một nhận thức toàn diện về vùng Tây Bắc với sự phức tạp về điều kiện tự nhiên, đa dạng về văn hóa, không giống nhau về kinh tế.

Vậy Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ giải bài toán đa biên này như thế nào, thưa Giáo sư?


Đại học Quốc gia Hà Nội coi sự phức tạp đó như một thử thách và chúng tôi cho rằng chỉ có Đại học Quốc gia Hà Nội mới giải được. Bởi Đại học Quốc gia Hà Nội không chỉ là nơi đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có tự nhiên, xã hội, có công nghệ, kinh tế, thậm chí có cả một trường đại học ngoại ngữ để đào tạo cho cán bộ các tỉnh. Chúng tôi còn có khả năng nghiên cứu khoa học đỉnh cao bởi các nhà khoa học đầu ngành đang công tác tại trường luôn sẵn sàng vì Tây Bắc. Qua theo dõi, có tới 25% Giải thưởng cấp Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đều thuộc về các nhà khoa học ở đây.


Khi tiến hành nghiên cứu, chắc chắn sẽ cần có nguồn nhân lực để thực hiện. Với 4 vạn sinh viên, đây là thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội, có thể đến bất cứ nơi đâu, điều tra xã hội học ở chuyên ngành nào, chúng tôi đều có thể thực hiện tốt. Chính vì vậy mà Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn Đại học Quốc gia Hà Nội là đầu mối của chương trình là có căn cứ.


Quan trọng nhất là làm thế nào để thay đổi tư duy, đưa chương trình này đạt mục tiêu, thay đổi một cách căn bản nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc. Nếu chúng ta tìm ra căn nguyên, bắt đúng mạch để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của tất cả các tầng, nấc thì chỉ sau một thời gian, chắc chắn các địa phương trong vùng sẽ thay đổi.


Thời gian thực hiện của Chương trình là 2013 - 2015. Vậy đây có phải là quá gấp để Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện và triển khai?


Đúng là thời gian 2013-2015 triển khai một chương trình mang tầm cỡ quốc gia là quá ngắn. Nhưng sự ngắn hay dài là một chế định, tuy thời gian gấp nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội lại coi đấy là một sức ép mà mình phải cố gắng. Thời gian là cái không ai cho và mình có thể khắc phục được.


Nếu cứ chờ phê duyệt, chờ thủ tục thì lại mất thêm nhiều tháng nữa. Cho nên trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai rồi, đặc biệt là từ khi được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ chương trình, chúng tôi đã chủ động liên hệ với Ban Chỉ đạo Tây Bắc để đến các tỉnh cùng bàn, thảo luận về chương trình.


Từ chương trình tổng thể, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những gói nhỏ về đào tạo nguồn nhân lực cho một số tỉnh có mối quan hệ từ trước như Tuyên Quang, Hà Giang..., chứ không chờ phê duyệt. Bắt đầu là đào tạo những chương trình ngắn hạn và không để thời gian trôi qua một cách lãng phí. Đây là nhiệm vụ then chốt, chủ động tích cực, không chờ đợi. Trước mắt sẽ có các gói giải pháp trên qui mô rộng, tập trung vào 3 nhóm công việc sau:


Thứ nhất là triển khai việc nghiên cứu tổng thể vùng Tây Bắc, nhưng không theo lối điều tra lấy số liệu đơn thuần. Mà ở đây sẽ tạo ra bộ dữ liệu đa năng tầm quốc gia. Bộ dữ liệu này sẽ giúp cho việc lưu trữ và sử dụng đa mục tiêu. Đây là thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội bởi có lượng lớn sinh viên, điều tra một cách toàn diện. Gói dữ liệu này có thể sử dụng mãi mãi, bền lâu chứ không phải làm hời hợt.


Thứ hai là tập trung vào đào tạo nhân lực. Trên cơ sở điều tra để lập bộ dữ liệu thì điều tra luôn cả nguồn nhân lực, dân trí ở từng vùng, cán bộ khoa học công nghệ... Mục tiêu là nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là gói ưu tiên.


Thứ ba là chọn một số giải pháp có tính đột phá theo nhiều hướng: Liên vùng, liên kết các tiểu vùng, cụm địa phương gần nhau. Ví như vùng biên giới thì có giải pháp gì, vùng các tỉnh miền núi không có đường biên giới thì có giải pháp gì, những vùng gần nhau có lợi thế về du lịch thì cần gì... Từ đó đưa ra những giải pháp mang tính toàn diện.


Mặc dù không thể làm hết được mọi việc trong vòng 3 năm nhưng ít ra là những gói giải pháp này cần giải quyết sớm. Chắc chắn sẽ có Tây Bắc 2 nếu chứng minh được hiệu quả của chương trình.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!



Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN