Đột phá thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông:

Chất lượng luôn là ưu tiên số một

Năm 2014, Bộ GTVT đã tiếp tục hoàn thành, đưa vào vận hành hơn 50 công trình hạ tầng đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường không trọng điểm vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng và tạo động lực phát triển kinh - tế xã hội cho các địa phương, như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các dự án QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhà ga T2 Nội Bài, cảng Cái Mép - Thị Vải… Để các công trình này phát huy hiệu quả thì chất lượng công trình là vấn đề được ngành giao thông vận tải đặc biệt quan tâm.

Thay thế nhà thầu yếu kém

Mở hàng năm 2014, để khẳng định quan điểm chất lượng công trình giao thông là ưu tiên số một, Bộ GTVT đã xử lý nghiêm các nhà thầu “rút ruột” dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã kiểm tra và quyết định cảnh cáo, kỷ luật nhà thầu thi công Hàn Quốc và cấm nhà thầu này tham gia các dự án do VEC làm chủ đầu tư; đồng thời phê bình ban quản lý dự án, tư vấn giám sát Nhật Bản làm đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, yêu cầu các đơn vị gây thiệt hại khắc phục ngay sai phạm để đưa công trình vào vận hành kịp thời.

Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhổ trụ bê tông đường lên để kiểm tra. Ảnh: Tiến Hiếu


Tại hàng loạt các công trình khác, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt chấn chỉnh chất lượng các công trình, công bố công khai trước dư luận các công trình yếu kém, xử lý trách nhiệm rạch ròi các chủ thể và khắc phục triệt để các sai phạm. Nhiều dự án như: Nâng cấp, mở rộng QL1 qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, QL3 Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Bến Thủy 2, QL18 Hạ Long - Quảng Ninh, nhà ga T2 Nội Bài… tồn tại tình trạng thi công ẩu, sai thiết kế trong quá trình thi công và tình trạng hằn lún vệt bánh xe, nút lứt; có nhiều khiếm khuyết công trình sau khi đưa vào vận hành, gây ảnh hưởng đến chất lượng các dự án. Đối với các dự án này, Bộ GTVT đã kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, bổ sung các nhà thầu tinh nhuệ vào kịp thời khắc phục các sự cố, không những đưa các công trình cán đích trước tiến độ nhiều tháng, mà còn đảm bảo chất lượng nghiệm thu.

Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Mai Tuấn Anh nhận định: Mỗi công trình, chỉ cần một hạng mục nhỏ không đảm bảo chất lượng cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ công trình, cũng như những chi phí sửa chữa phát sinh lớn sau này. Vì ngoài việc không đáp ứng được nhu cầu gia tăng của lưu lượng vận tải, khiến công trình nhanh chóng xuống cấp, khiếm khuyết của công trình sẽ dẫn tới dự án phải điều chỉnh quy mô thiết kế, nguồn vốn và hệ lụy là tình trạng yếu kém về chất lượng sau này sẽ làm gia tăng chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.

Thêm chế tài xử lý tư vấn, giám sát

Ông Trịnh Xuân Cường, chuyên gia thuộc tổ cố vấn của Bộ GTVT, cho biết: Chất lượng tư vấn giám sát không đủ năng lực đang là vấn đề tồn tại trong rất nhiều dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình giao thông, nhất là đối với các dự án giao cho các địa phương làm chủ đầu tư. Nhiều dự án lớn hiện nay không thấy tư vấn có tên tuổi tham gia hoặc tên tư vấn “lạ hoắc”. Không thể có được một công trình chất lượng cao nếu lựa chọn phải một tư vấn tồi. Rất nhiều dự án được thanh tra thời gian gần đây, trong kết luận nguyên nhân yếu kém đều liên quan đến chất lượng tư vấn giám sát yếu, khiến các công trình thiết kế bất hợp lý, khối lượng bị đẩy quá cao so với kế hoạch ban đầu... Do đó, với mỗi dự án chuẩn bị triển khai hoặc đang chậm tiến độ thì phải loại bỏ được tư vấn giám sát yếu kém.

Trao đổi về việc làm thế nào để đảm bảo chất lượng công trình ngay từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Bộ GTVT hiện đã có các chế tài chấn chỉnh, siết chặt hoạt động của các ban quản lý dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng như: Tiến hành xếp hạng và quy định những điều các đơn vị này không được làm, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể có liên quan khi để công trình không đảm bảo chất lượng, chậm tiến độ. Ngoài ra, Bộ còn dùng biện pháp “đánh” vào kinh tế của các nhà thầu vi phạm, kiên quyết dỡ bỏ phần công trình vi phạm về chất lượng, yêu cầu nhà thầu phải tự bỏ kinh phí của mình để khắc phục… Qua đó, lấy chất lượng công trình làm căn cứ để công khai hạ mức xếp hạng nhà thầu và cấm tham gia đấu thầu các công trình khác của ngành. Trong năm 2014, Bộ GTVT đã nghiêm khắc xử lý 14 nhà thầu thi công, 5 nhà thầu tư vấn thiết kế, 10 nhà thầu tư vấn giám sát và 4 ban quản lý dự án có vi phạm chất lượng, tiến độ.

Bộ GTVT đã giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông làm nhiệm vụ “cảnh sát” trong quản lý chất lượng công trình và thành lập “đường dây nóng” để kịp thời tiếp nhận phản ánh của nhân dân về chất lượng các công trình giao thông. Tổ công tác thường trực tiếp nhận thông tin tại Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, số điện thoại: 0439420658, 0915379596, 0917759596; hộp thư điện tử: cucqlxd@mt.gov.vn. Mọi người dân khi có thông tin về các vấn đề quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, phản ánh theo địa chỉ và số điện thoại “đường dây nóng”, sẽ được tổ công tác ghi nhận và kiểm tra, hồi âm công khai.


Tiến Hiếu - Đức Nghiêm

Giao thông được mùa... vốn
Giao thông được mùa... vốn

Năm 2014, các công trình sau khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông so với nhiều năm trước đây, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN