Cây dứa làm đổi thay vùng gò đồi bạc màu Quảng Trị

Phát triển kinh tế bền vững trên vùng đất khô cằn luôn là bài toán khó đối với chính quyền và người dân xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) – nơi có tới hơn 2/3 diện tích gò đồi bạc màu, hoang hóa. Thế nhưng cây dứa đã giúp nơi đây thay đổi tình thế.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) đã phối hợp quy hoạch diện tích trồng dứa nguyên liệu đã mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiềm năng cho người dân Cam Thủy nói riêng và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói chung.

Khu vực trồng dứa nguyên liệu được quy hoạch bước đầu rộng hơn 21 ha thuộc địa bàn các thôn Thiện Chánh, Nhật Lệ, Cam Vũ 2 và Cam Vũ 3, xã Cam Thủy với 31 hộ dân tham gia sản xuất; bình quân mỗi hộ trồng từ 0,5 - 1,5 ha. Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ trong khâu làm đất, cây giống, bạt ni long, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Công ty Đồng Giao còn ứng tiền giống và phân bón cho các hộ dân và khấu trừ sau khi thu hoạch.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Lục - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, mỗi ha dứa đầu tư hết khoảng 100 triệu đồng. Mỗi vụ dứa cho thu hoạch sau 18 tháng. Do được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân hóa học và chất kích thích nên bình quân 1 ha dứa đạt năng suất từ 40 - 50 tấn mỗi vụ.

Mức giá Công ty Đồng Giao hợp đồng thu mua với người dân là 4.000 đồng/kg thì mỗi ha dứa cho doanh thu từ 160 - 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí vẫn cho lãi từ 60 - 100 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng rừng, sắn, rau màu,…

Cây dứa chỉ mất công làm đất, trồng, bón phân ban đầu, chăm sóc khi trổ bông và thu hoạch nên thời gian còn lại người dân vẫn có thể làm những việc khác. Đặc biệt, dứa là loại cây thích ứng được với môi trường khô cằn, khắc nghiệt.

Trước đây, người dân Quảng Trị chỉ trồng dứa xen với các loại cây khác hoặc trồng ở bờ rào, cạnh mương để bảo vệ vườn nhà và lấy trái phục vụ gia đình chứ không được xem là cây phát triển kinh tế hộ.

Hiện nay xã Cam Thủy đã có 15 hộ gia đình ở 4 thôn Cam Vũ 2, Cam Vũ 3, Thiện Chánh và Nhật Lệ chuyển đổi hơn 9 ha đất lâm nghiệp trồng sắn, keo, rau màu… kém hiệu quả kinh tế sang trồng dứa.

Ông Lục cho biết, theo kế hoạch, trong năm 2017, toàn bộ 21 ha đất kém hiệu quả kinh tế nằm trong khu quy hoạch ở xã Cam thủy sẽ được các hộ dân chuyển sang trồng dứa nguyên liệu và các địa phương trong tỉnh Quảng trị cũng sẽ chuyển đổi khoảng 150 ha diện tích gò đồi kém hiệu quả sang trồng dứa cung ứng cho Công ty Đồng Giao.

Kế hoạch đến năm 2020, Quảng Trị sẽ quy hoạch khoảng 1.000 ha trồng dứa nguyên liệu cho nhà máy. Công ty Đồng Giao cũng dự định sẽ đầu tư nhà máy chế biến dứa tại Quảng Trị để thuận lợi sản xuất và giảm chi phí vận chuyển.

Quy hoạch vùng trồng dứa nguyên liệu tại Cam Thủy đã góp phần tích cực trong việc cải thiện điều kiện, sản xuất canh tác của các hộ dân phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Nhờ đó, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong các hộ dân; giảm thiểu tình trạng người dân thoát ly tới các địa phương khác làm ăn.

Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)
Trồng dứa trên đất phèn cho hiệu quả cao
Trồng dứa trên đất phèn cho hiệu quả cao

Tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng đi của ngành nông nghiệp Sóc Trăng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN