Cấp phép hoạt động kinh doanh cát và bến thủy nội địa lòng hồ Dầu Tiếng gây nhiều bức xúc

Giám sát của HĐND tỉnh Bình Dương và ý kiến của cử tri huyện Dầu Tiếng cho thấy, tình trạng cấp phép mở bến thủy nội địa trên địa bàn khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, phía tỉnh Bình Dương quá nhiều, gây bức xúc cho người dân.

Một điểm khai thác cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Khu vực lòng hồ Dầu Tiếng ở phía tỉnh Bình Dương hiện có đến 20 bến thủy cho cả doanh nghiệp có giấy phép cũng như không có giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, chỉ tính riêng xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương lên đến 16 bến, các bến được cấp phép liền kề nhau.

Theo các đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, việc cấp phép tràn lan dẫn đến hệ lụy như: sử dụng đất sai mục đích, phương tiện vận chuyển quá nhiều, tải trọng lớn gây hư hỏng đường giao thông của tỉnh, đường giao thông dân sinh, gây bụi ô nhiễm môi trường, thậm chí vượt đèn đỏ, vi phạm Luật giao thông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc có điểm tập kết cát từ hoạt động khai thác cát lậu trái phép.

Liên quan đến vấn đề trên, chiều 12/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh khóa IX, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Bình Dương Trần Bá Luận cho biết, Về căn cứ pháp lý của việc cấp phép bến thủy nội địa, theo quyết định công bố thủ tục hành chính số 3027/QĐ-UBND về việc công bố thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông -Vận tải trên địa bàn tỉnh Bình Dương; văn bản quy phạm pháp luật quy định việc cấp phép hoạt động bến thủy nội địa là Thông tư 50 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa.

Thông tư 50 không có quy định về số lượng bến thủy nội địa trong một khu vực là bao nhiêu. Các giấy phép bến thủy nội địa đã cấp trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng là giấy phép tạm với thời hạn 1 năm.

Ông Trần Bá Luận cho biết thêm, khi cấp giấy phép cho tất cả các bến thủy nội địa khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, ngoài việc tuân thủ vào thành phần hồ sơ theo quy định tại Thông tư 50, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương đều có văn bản lấy ý kiến của UBND huyện Dầu Tiếng về khả năng chịu tải của đường và chỉ cấp phép khi có văn bản thống nhất của UBND huyện Dầu Tiếng.

Nói về hạn chế các phương tiện giao thông chở cát từ lòng hồ Dầu Tiếng đi trên tuyến đường ĐT.744 và ĐT.749B, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương Trần Bá Luận nêu rõ: những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh, lưu lượng, tải trọng phương tiện lưu thông trên mạng lưới đường lộ ngày tăng cao, nhất là phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng từ các mỏ vật liệu cát, đá…, làm hệ thống đường tỉnh, đường huyện nhanh chóng xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của người dân.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng xe quá tải trong lưu thông trên đường, ngành Giao thông Vận tải tỉnh đã tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tải trọng. Sở chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải tăng cường công tác tuyên truyền đến tận các cảng, bến, kho hàng, hầm mỏ; đề nghị các chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp ký cam kết không vi phạm chở hàng quá tải; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các phương tiện quá tải.

Cùng với đó, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Dầu Tiếng kiểm tra, rà soát việc cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh cát và bến thủy nội địa xung quanh khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, nhằm lặp lại trật tự, an toàn giao thông khu vực này.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Nhiều vướng mắc trong cấp phép bến thủy nội địa ở Phú Thọ
Nhiều vướng mắc trong cấp phép bến thủy nội địa ở Phú Thọ

Tại Phú Thọ, tiến độ việc cấp phép, nhất là cấp lại giấy phép cho các bến, bãi đã hết hạn hoạt động triển khai rất chậm, thậm chí còn "vấp" phải nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN