Cấp bách gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

“Nông sản nước ta thời gian qua sản lượng tăng nhưng giá xuống mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của bà con nông dân. Nhiệm vụ rất cấp bách trong thời gian tới là xử lý vấn đề thị trường để bảo đảm lợi ích cho nông dân”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm diễn ra tại Hà Nội hôm qua (29/6).

 

Giá giảm mạnh, tiêu thụ khó


Tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm tuy gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt trên 13,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy vậy, ông Đỗ Văn Nam, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: Trong số 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính, chỉ duy nhất mặt hàng hạt tiêu là có giá cao hơn so với cùng kỳ 2011; các mặt hàng còn lại đều có giá thấp hơn. Trong đó cao su là mặt hàng có mức giảm giá nhiều nhất (giảm 30%), gạo giảm 28%, cà phê giảm 20%...


“Giá nông sản xuống rất mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của bà con nông dân và ảnh hưởng đến sản xuất trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận xét. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng là do giá cả phụ thuộc rất lớn vào thị trường quốc tế và khó khăn của các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ các loại nông lâm thủy sản.


 

Thực hiện liên minh, bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp rau quả Bình Thuận thu mua, sơ chế tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 170 tấn quả Thanh long, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

 

“Bên cạnh các giải pháp thị trường, chủ yếu là nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp để thu mua và tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản; ngành sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn và thông tin cho bà con về tình hình thị trường để bà con có điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Hầu hết các loại nông sản chúng ta xuất sang nhiều thị trường. Có một số mặt hàng như mặt hàng tươi sống thì chúng ta xuất sang những thị trường gần. Như vậy, ở chừng mực nào đó cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường đó. Trước tình hình này, chúng ta cần nỗ lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sang các thị trường khác để có những sự phát triển bền vững hơn trong điều kiện thị trường có nhiều biến động”.

(Bộ trưởng Cao Đức Phát)

Song, ông Đỗ Văn Nam cho rằng, bên cạnh lý do khách quan thì tiêu thụ khó khăn còn do các yếu tố chủ quan. “Hiện nay, quy hoạch và cơ cấu sản xuất của chúng ta không phù hợp, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Chẳng hạn, năm nay diện tích trồng khoai lang tăng tới 70% so với năm 2011. Chuyện tương tự cũng diễn ra đối với mặt hàng sắn và một số loại nông sản khác”, ông Nam phân tích. Một nguyên nhân khác là do chúng ta không đa dạng hóa thị trường, thậm chí quá phụ thuộc vào chỉ một thị trường duy nhất. Khi thị trường này biến động, lập tức việc xuất khẩu bị ảnh hưởng.


Trước tình hình lượng nông sản xuất khẩu tăng nhưng giá giảm, ông Nam cho biết, các doanh nghiệp (DN) đã phải tìm mọi cách xuất khẩu để duy trì thị trường truyền thống của mình. Tuy nhiên tình hình hết sức khó khăn.

 

Giải cứu cho cá tra và sản phẩm chăn nuôi


Hai lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản đang đứng trước những sóng gió liên tiếp vừa do dịch bệnh vừa do gặp khó về “đầu ra”. “Nếu không có giải pháp kịp thời, người nuôi cá tra sẽ treo ao, người nuôi tôm hùm sẽ treo lồng. Còn nguy cơ cuối năm, thị trường thực phẩm thiếu nguồn cung thịt đã thấy rõ”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.


Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, với tình hình giá cả như hiện nay, người chăn nuôi đang bị lỗ, đặc biệt là các trang trại. Trong những tháng cuối năm, cùng với trọng tâm tập trung dập dịch tai xanh, Cục Chăn nuôi đã đề xuất nhiều giải pháp để “khơi thông” đầu ra cho sản phẩm của ngành. Ông Sơn cho biết: “Cục đã kiến nghị Bộ hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi về tín dụng, tăng cường kiểm soát việc nhập lậu các sản phẩm qua biên giới”. Đặc biệt, trước nguy cơ khủng hoảng thiếu nguồn cung thịt vào cuối năm, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, nên có chính sách tạm trữ thịt và trữ đông đối với mặt hàng thịt lợn. Hiện nay, một số DN chăn nuôi, giết mổ đã có kế hoạch triển khai việc này.


Tương tự, ở lĩnh vực thủy sản, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), nhiều tháng qua, cá tra rất khó tiêu thụ, giá giảm mạnh (40%), nhiều DN đã phải ngừng hoạt động. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngành dự định đề nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp là: Cung cấp tín dụng cho các DN, xử lý để gia hạn nợ cho các DN đã vay nhưng chưa trả được và họ vẫn có triển vọng trả nợ trong tương lai. Phối hợp tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy phát triển xuất khẩu. Còn ở trong nước thì các địa phương sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng về vật tư, con giống, quá trình nuôi để đảm bảo chất lượng. Đồng thời, lãnh đạo ngành thủy sản đề nghị Chính phủ cho ban hành một nghị định riêng về sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu cá tra.

 

Tạm trữ gạo nhằm “lợi ích kép”


Trước thực tế hiện nay, người dân đang phải bán gạo với giá thấp hơn giá thành, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định, việc mua tạm trữ lúa gạo là hết sức cần thiết. Hiện nay, người nông dân đang bán lúa với giá 3.950 đồng/kg. Trong khi đó, muốn đạt được mục tiêu người nông dân có lãi thì giá bán phải đạt 5.200 đồng/kg. Việc thu mua càng cần thiết nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ lúa hè thu từ 20/7 đến đầu tháng 8/2012. “Việc tạm trữ gạo sẽ đạt được “lợi ích kép”: Vừa giữ được gạo cho xuất khẩu, vừa nâng được giá bán lúa tại thời điểm cần bán”.


Số lượng tạm trữ được xây dựng trên cơ sở sản lượng lúa hàng hóa cộng với lượng tồn kho để đưa ra con số thích hợp. “Theo tôi, Chính phủ sẽ quyết việc tạm trữ nhưng quy mô cụ thể ra sao thì phải cân nhắc để có tính khả thi”, ông Ngọc nói.


Về hình thức thu mua tạm trữ, tốt nhất vẫn là DN mua tận tay người nông dân. Tuy nhiên, cách làm này không khả thi, bởi nông dân đồng bằng sông Cửu Long không có kho tạm trữ, phải bán lúa tươi để trả nợ. Trước mắt, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, vẫn phải chấp nhận sự tồn tại của nhân tố thương lái. Tuy nhiên, để đảm bảo nông dân đạt được mức “lãi” 30% khi bán lúa, Nhà nước sẽ đưa ra giá sàn thu mua trên cơ sở giá thành và giá ấn định của Nhà nước.


Mạnh Minh

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp nông dân tiêu thụ nông sản
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giúp nông dân tiêu thụ nông sản

Các cấp Hội nông dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giúp hội viên nông dân có ”đầu ra” ổn định, bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN