Cần xây dựng thương hiệu tập thể nước mắm Phú Quốc

Vốn là một đặc sản đặc trưng nổi tiếng hơn 100 năm qua, nhưng hiện nay, nước mắm Phú Quốc chưa xây dựng được thương hiệu tập thể, ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của nghề truyền thống này trên huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo phòng kinh tế huyện Phú Quốc, hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất chế biến nước mắm trên địa bàn, với sản lượng hơn 15 triệu lít/năm được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng vì sản phẩm thơm ngon, độ đạm cao. Tuy nhiên, từng cơ sở sản xuất chỉ đăng ký nhãn hiệu riêng, còn liên kết xây dựng nhãn hiệu tập thể chung với tên “Nước mắm Phú Quốc” thì họ không đồng thuận.

Nguyên nhân do quy mô và “bí quyết” sản xuất nước mắm của từng cơ sở khác nhau; chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ với nhãn hiệu độc quyền của từng doanh nghiệp nên rất khó thực hiện xây dựng thương hiệu tập thể chung. Đó còn chưa kể xuất hiện tình trạng cạnh tranh gay gắt “cá lớn nuốt cá bé” giữa các cơ sở sản xuất nước mắm. Những doanh nghiệp lớn mạnh về vốn, thâm niên trong nghề thường thu mua nguyên liệu giá cao hơn giá thị trường để thu hút nguyên liệu khiến cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa yếu vốn không cạnh tranh nổi, thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến phá sản, bỏ nghề.

Ngoài ra, ngành chức năng chưa thực hiện được cơ chế kiểm soát chế biến nước mắm do nhiều nguyên nhân như: ngư dân không thể ghi chép cẩn thận trong suốt quá trình khai thác đánh bắt trên ngư trường về ngày giờ, chủng loại cá, kích cỡ, chất lượng, bảo quản nguyên liệu. Trong khi đó, để xây dựng thương hiệu tập thể nước mắm Phú Quốc đòi hỏi tính nghiêm ngặt, đồng bộ giữa người đánh bắt và doanh nghiệp về nguyên liệu và công nghệ chế biến để sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt. Nguyên liệu không đồng đều sẽ cho ra sản phẩm chất lượng thấp, không đồng đều.

Bất lợi của việc chưa xây dựng được nhãn hiệu tập thể cho nước mắm Phú Quốc là kiềm hãm sự phát triển của nghề truyền thống. Ông Trần Quốc Khanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện đảo Phú Quốc cho biết: Các cơ sở sản xuất nước mắm tự đăng ký nhãn hiệu độc quyền của mình dễ bị xâm hại, đánh cắp và mất nhãn hiệu hoặc bị đánh tráo, làm giả gây nhằm lẫn cho khách hàng. Chính vì điều đó mà hiện nay nước mắm Phú Quốc bày bán trên thị trường khó phân biệt được giả - thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, Phú Quốc gần như không quản lý và kiểm soát được, nước mắm giả trôi nổi trên thị trường, ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng nước mắm Phú Quốc.

Được biết, thị trường tiêu thụ nước mắm Phú Quốc tập trung ở TP.Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vươn ra một số tỉnh ở miền Bắc. Kỹ thuật chế biến nước mắm ở Phú Quốc bằng thùng gỗ bời lời, cây trai và ủ cá 12 tháng theo cách truyền thống của người xưa để lại, không can thiệp bằng khoa học công nghệ, chỉ sử dụng máy bơm trộn trong quá trình sản xuất chế biến.

Những nhãn hiệu Hồng Đại, Minh Thành, Thanh Hà, Khải Hoàn… là những cơ sở lớn nổi tiếng trong nghề làm nước mắm có từ lâu đời. Xuất khẩu nước mắm Phú Quốc hiện nay chỉ một vài cơ sở như Thanh Hà. Doanh nghiệp này tự đầu tư khai thác nguyên liệu, chọn cá nguyên liệu đúng chuẩn, chất lượng tốt để sản xuất chế biến nước mắm. Sản lượng xuất khẩu khoảng 500.000 lít/năm sang thị trường các nước Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ. Giải pháp nào xây dựng thương hiệu tập thể “Nước mắm Phú Quốc” hãy còn là vấn đề nan giải của ngành chức năng tỉnh Kiên Giang.

Lê Huy Hải
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN