Cần tập trung bình ổn giá thực phẩm

Mặc dù đã chặn được dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm, nhưng giá thực phẩm những tháng gần đây vẫn tiếp tục leo thang với nhiều lý do. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm, thị trường thực phẩm trong nước sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, với mức giá thấp hơn giá trung bình trong 6 tháng đầu năm khoảng từ 10% - 15%.

Những yếu tố đẩy giá lên

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), giá thực phẩm tươi sống nói chung, giá thịt lợn nói riêng tăng cao và tăng đột biến trong thời gian qua là do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại một số thời điểm và một số vùng, tạo ra sự khan hiếm cục bộ, gây áp lực tăng giá. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh tai xanh trên diện rộng cuối năm 2010 và đầu năm 2011 khiến đàn lợn nái và lợn thịt giảm, trong đó đàn lợn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình giảm tới 30%. Điều này làm ảnh hưởng tới tái cơ cấu đàn làm mất cân đối cung – cầu cục bộ đã đẩy giá sản phẩm chăn nuôi trong tháng 6 và tháng 7 tại các vùng, miền tăng từ 54% - 70%.

Cùng với đó là chi phí đầu vào tăng mạnh như giá thức ăn chăn nuôi tăng 30 - 40% so với thời điểm đầu năm; lãi suất ngân hàng cao; giá điện, nước, con giống, thuốc thú y, nhân công cũng tăng theo khiến tất cả các sản phẩm chăn nuôi đã thiết lập mặt bằng giá mới. Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố đầu tháng 8 cũng cho thấy, giá thực phẩm tăng cao là nguyên nhân chính tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2011. Mức tăng chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 7/2011 là 26,12% so với tháng 12/2010, trong khi mức tăng tương ứng của tháng 7/2010 chỉ là 7,56%.

Mua bán thịt lợn tại Chợ Hôm - Đức Viên, Hà Nội.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Nhiều chủ trang trại và doanh nghiệp cho biết, hiện nay giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% tổng cơ cấu giá thành sản phẩm chăn nuôi. Trong 7 tháng qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 lần, có tuần tăng tới 2 lần. Thế nhưng, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã giảm trên 5% nhưng không có nhà máy nào chịu giảm giá theo. Là doanh nghiệp tham gia bình ổn hàng hóa, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan) Trần Tấn An, cho biết: Để đầu tư 2.000 con lợn giống, phải bỏ ra ít nhất 100 tỷ đồng, nhưng với lãi suất ngân hàng 24% thì không doanh nghiệp chăn nuôi nào dám đầu tư. Do đó, hầu hết doanh nghiệp phải phụ thuộc vào người nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, với giá nguyên liệu, con giống tăng liên tục như hiện nay, cùng với việc nhiều hộ chăn nuôi sợ xảy ra dịch bệnh đã bỏ nuôi lợn dẫn đến nguồn cung khan hiếm, giá tăng. Theo ông An, thịt lợn hơi do Vissan mua là 62.000 đồng/kg đến 64.000 đồng/kg, sau khi giết mổ, giá thành lên tới gần 80.000 đồng/kg, chưa tính các chi phí khác. Trong khi giá bán lẻ bình ổn ra thị trường chỉ có 82.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường nên doanh nghiệp khó có thể trụ được lâu.

Giá ổn định nhưng vẫn ở mức cao

Cũng theo Bộ NN & PTNT, từ tháng 7, giá thịt lợn đã có xu hướng giảm so với tháng 6, với mức giảm 1% ở phía Bắc, 2% ở miền Trung và 4% ở các tỉnh phía Nam. Hiện nay, giá sản phẩm chăn nuôi có xu thế ổn định nhưng vẫn ở mức cao. Cũng từ tháng 8, có nhiều yếu tố tác động giảm áp lực tăng giá như chăn nuôi có chiều hướng thuận lợi do dịch bệnh cơ bản được khống chế, người chăn nuôi có lãi do giá tiêu thụ tăng trên thị trường; các địa phương cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư tái đàn nên chăn nuôi lợn có xu hướng phát triển tốt, tăng nguồn cung trên thị trường.

Dự kiến đến cuối năm, nguồn cung thịt lợn trong nước tăng từ 5% - 6%, giá ổn định nhưng vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, để bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi, Bộ NN & PTNT yêu cầu các địa phương cần tập trung mọi biện pháp để tăng đàn bền vững, tăng năng suất chăn nuôi, áp dụng mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn về vốn cho người chăn nuôi, khuyến khích các doanh nghiệp lớn vận chuyển thịt lợn và gia cầm từ Nam ra Bắc. Bên cạnh đó, Bộ cũng giao Cục Chăn nuôi theo dõi và nắm sát tình hình tham mưu cho Bộ các giải pháp cụ thể để bình ổn giá thực phẩm từ nay cho đến Tết Nguyên đán, xem xét nguồn giống và giá con giống hiện tại và cho lâu dài, kiểm soát các loại dịch bệnh. Trong thời gian tới sẽ tổ chức hội nghị bàn về phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuỗi có sự liên kết từ sản xuất - giết mổ - lưu thông để sớm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Để góp phần bình ổn giá thực phẩm, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng đề xuất thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tránh để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến tốc độ tái đàn và tâm lý của người chăn nuôi; xem xét có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ vốn, lãi suất cho các trang trại, hộ gia đình khôi phục đàn gia súc, mở rộng sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, xem xét biện pháp về tài chính như tăng thuế xuất khẩu thực phẩm, kết hợp với biện pháp hành chính hạn chế việc thu gom, xuất theo đường tiểu ngạch, đồng thời giám sát chặt chẽ việc xuất lậu theo lối mòn mặt hàng thực phẩm tươi sống sang các nước có chung đường biên giới; tăng cường giám sát để hạn chế tăng chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi, giết mổ như tiếp tục thực hiện biện pháp hỗ trợ sản phẩm giống gốc, vật nuôi; giám sát chặt việc đăng ký tăng giá thức ăn chăn nuôi; xem xét hoãn thu phí giết mổ…

Trước thông tin thịt lợn của Việt Nam ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương khẳng định, hiện tượng thương lái thu mua lợn từ các tỉnh miền xuôi vận chuyển qua đường mòn sang Trung Quốc vẫn diễn ra từ trước tới nay nhưng đang có xu hướng giảm do giá thịt lợn tại hai nước đã cân bằng. Do vậy, thời gian qua không có tình trạng thịt lợn của Việt Nam ồ ạt xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ NN & PTNT rà soát cân đối cung cầu và bình ổn thị trường đối với mặt hàng thực phẩm, điều tiết cung cầu mặt hàng thịt và vấn đề xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc. Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm; theo dõi sát diễn biến thị trường thực phẩm, kiểm soát chặt việc thu gom, xuất khẩu thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn qua biên giới. Mặt khác, Bộ cũng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường như phối hợp thanh tra giá, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trong đó có mặt hàng thực phẩm.

Văn Xuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN