Cần rà soát lại chính sách

Vùng ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, nhất là nông dân trong vùng, bởi gần một nửa diện tích bị ngập lũ từ 3-4 tháng mỗi năm. Cùng với thiên tai là dịch bệnh trên cây lúa, thủy sản xảy ra hàng năm…

 

Canh tác trong vùng ngập nước, nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hy vọng rất nhiều ở chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
Duy Khương - TTXVN


Trước tình hình trên, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013 với 7 tỉnh vùng ĐBSCL; trong đó thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, thực hiện bảo hiểm đối với hộ nuôi cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau. Thời gian thực hiện từ 1/7/2011 đến hết năm 2013. Theo báo cáo của UBND 7 tỉnh vùng ĐBSCL, đến cuối tháng 7/2013 đã có 9.333 hợp đồng bảo hiểm đã được đơn vị bảo hiểm (Công ty Bảo Minh, Công ty Bảo Việt) ở địa phương ký kết với các hộ.

 

Thực hiện Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011-2013, từ năm 2011, UBND 7 tỉnh vùng ĐBSCL đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân thực hiện; thành lập các tổ giúp việc, tổ giám sát... Các tỉnh đã tổ chức hơn 50 buổi tuyên truyền, tập huấn và tổ chức đào tạo đại lý bảo hiểm hơn 30 buổi...

Trong đó, hai bên tham gia bảo hiểm đã xác định hơn 6.447 hồ sơ bị thiệt hại, với tổng số tiền bồi thường là hơn 400 tỷ đồng; đã giải quyết bồi thường khoảng hơn 280 tỷ đồng, còn lại chưa giải quyết bồi thường khoảng hơn 120 tỷ đồng cho hơn 2.150 hồ sơ bảo hiểm. Hồ sơ còn tồn đọng nhiều nhất chưa được đơn vị bảo hiểm xem xét giải quyết cho người dân chủ yếu nằm ở hai tỉnh Cà Mau và Sóc Trăng.


Để từng bước tháo gỡ những khó khăn này, trước mắt Bộ Tài chính sớm rà soát lại những văn bản đã ban hành có nội dung chưa phù hợp với thực tế địa phương, có sửa đổi, bổ sung; chỉ đạo các Tổng Công ty Bảo hiểm thực hiện bồi thường đúng theo giá trị hợp đồng và thời gian hợp đồng đã ký với các hộ dân, không được tự đặt ra mức phần trăm khấu trừ giá trị hợp đồng được bồi thường với người dân.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục sửa đổi, bổ sung Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/6/2011 theo hướng các hộ tham gia thí điểm BHNN phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan địa phương nơi thí điểm bảo hiểm chứng nhận; căn cứ bắt buộc bồi thường thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra, chủ hộ nuôi tôm tham gia bảo hiểm phải có giấy chứng nhận kiểm dịch đốm trắng, đầu vàng, MBV đối với tôm sú; đốm trắng, đầu vàng, MBV và Taura đối với tôm chân trắng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần sớm ban hành quy trình xét nghiệm bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức và hộ gia đình tham gia bảo hiểm. Chính quyền, đoàn thể ở các địa phương có BHNN vùng ĐBSCL tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn cho người dân, cán bộ tham gia triển khai thực hiện bảo hiểm trên địa bàn.

Viết Tôn - -Xuân Quang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN